Thứ Ba, 03/12/2024 10:14 SA
Chuyển dịch số trong thời đại 4.0
Thứ Hai, 05/02/2024 10:21 SA

Phụ nữ Ba Na ở Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Ðồng Xuân) chia sẻ cách giới thiệu, quảng bá sản phẩm dệt thủ công của dân tộc mình trên facebook. Ảnh: SƠN CA

Khi công nghệ số trở thành công cụ hỗ trợ, hầu hết công việc được xử lý nhanh gọn, đơn giản chỉ với một cú chạm trên điện thoại, laptop… Dù là ai, ở bất cứ đâu, chỉ cần có mạng internet là có thể tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.

 

Kết nối số - mở cơ hội

 

Sau một ngày tất bật với ruộng rẫy, các chị em trong làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Ðồng Xuân) lại tề tựu về nhà sinh hoạt cộng đồng thôn để họp tổ, báo tình hình sản xuất sản phẩm. Mọi thông tin về thời gian, địa điểm, nội dung… cuộc họp được các chị thông báo qua zalo nhóm.

 

Chị Sâu Duôn Thị Dung, một thành viên trong làng nghề cho biết: Trước đây, mỗi khi cần thông báo chuyện gì, chúng tôi phải đi đến từng nhà, có khi cũng không gặp được. Nay chỉ với vài cú chạm có thể biết ai đã nhận tin, ai tham dự, không gì thuận tiện bằng.

 

Càng về cuối năm, tiến độ làm việc của chị em trong làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại càng gấp rút. Ðây là lần đầu tiên những phụ nữ Ba Na này có đơn đặt hàng, với 600 sản phẩm thổ cẩm đủ loại, dệt thủ công hoàn toàn, từ Công ty TNHH Khách sạn Zannier Bãi San Hô (TX Sông Cầu). Thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn, mở ra cánh cửa đưa sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Ba Na đến với du khách trong và nước ngoài.

 

“Nhận được đơn đặt hàng các chị em phấn khởi vô cùng. Ðây là bước tiến để sản phẩm làng nghề vươn xa. Cơ hội này có được tất cả nhờ vào sự kết nối trên không gian số. Sản phẩm làng nghề được chúng tôi đăng tải, giới thiệu trên trang facebook của làng nghề và được đơn vị này biết đến” chị Lù Minh Uyển, cán bộ phụ trách làng nghề chia sẻ.

 

Ngoài tăng cường làm hàng, nhiều ngày qua, các chị em trong làng nghề còn tranh thủ tìm hiểu, chia sẻ cách sử dụng trang facebook của làng nghề để quảng bá, giới thiệu quy trình sản xuất, sản phẩm thổ cẩm do chính mình dệt.

 

Bà La O Thị Ngọc, tay dệt kỳ cựu có hơn 40 năm dệt thổ cẩm tâm sự: “Chưa khi nào tôi dám mơ sản phẩm truyền thống của dân tộc mình được đi xa như vậy. Nhờ chuyển đổi số (CÐS), vùng núi với miền biển đã không còn vời vợi xa. Sản phẩm thổ cẩm của dân tộc đã có nhiều người biết đến, đón nhận, yêu thích, mở ra những cơ hội mới để làng nghề phát triển”.

 

“Không riêng làng nghề dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại, CÐS đã và đang giúp cho nhiều làng nghề, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh… của địa phương tìm được cơ hội mới để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm vươn xa”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ðồng Xuân Trần Quốc Huy cho hay.

 

Nhân viên Ðiện lực Sông Hinh hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn người dân khai thác app CSKH của ngành Ðiện, tạo nhiều thuận lợi trong việc theo dõi chỉ số dùng điện. Ảnh: Thủy Tiên

 

Chuyển đổi số theo cách riêng

 

Trong nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), đông đảo bà con trong thôn được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn khai thác các ứng dụng tiện ích từ chiếc điện thoại thông minh.

 

Dùng xong bữa cơm chiều sau một ngày dài đi rẫy, chị Mông Thị Loan vội đến nhà văn hóa thôn để cùng bà con thực hành cách sử dụng các ứng dụng số từ điện thoại. Chị Loan cho hay: Lần trước tôi được hướng dẫn cài đặt, sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Hôm nay, tôi biết thêm về ứng dụng CSKH của ngành Ðiện và cách khai thác ứng dụng này.

 

Nhờ CÐS, bà con không còn phải vượt hàng chục cây số đi đóng tiền điện, cũng không phải xếp hàng bốc số mỗi khi cần giải quyết thủ tục hành chính… Bây giờ tất cả được thực hiện tại nhà qua điện thoại.

 

Theo ông Trần Quốc Suyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng thôn Tân Yên, nhận thấy những tiện ích CÐS mang lại không gì sánh bằng nên bà con địa phương rất hưởng ứng. Khoảng 98% hộ dân trong thôn đã kết nối internet, 90% hộ có điện thoại thông minh, hơn 70% hộ sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và nhiều ứng dụng số. Các trang facebook chuyển tải thông tin của xã như Ea Ly thanh bình, Phụ nữ Ea Ly, Ðoàn xã Ea Ly được hơn 80% người dân địa phương theo dõi.

 

Ở khía cạnh khác, CÐS cũng đã có những hỗ trợ vô cùng hữu ích trong công tác quản lý tài chính của các tiểu thương, hộ kinh doanh. Chỉ với vài cú chạm trên điện thoại, mọi người có thể tổng kết doanh số bán ra trong một ngày, doanh thu mỗi tháng… CÐS đã thực sự giúp các tiểu thương loại bỏ các quan ngại về vấn đề tiền giả, quản lý tiền mặt...

 

“Không chỉ vậy, việc tìm kiếm, kết nối mở rộng nguồn hàng, so sánh giá giữa các cơ sở cung cấp hay kiểm tra hàng cũng được thực hiện trực tuyến nhờ kết nối số toàn cầu”, chị Hồ Thị Bích Thủy, một tiểu thương ở chợ Tuy Hòa chia sẻ.

 

SƠN CA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek