Sáng 25/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tham dự hội nghị tại đầu cầu Trung ương có đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Yên. Ảnh: THỦY TIÊN |
Tại điểm cầu tỉnh Phú Yên có đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ; đại diện các sở, ngành, địa phương cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Trong bối cảnh đó, CĐS quốc gia và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, phải có tư duy đi trước, đón đầu, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Đồng thời quán triệt dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia, cần biến tài nguyên này thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số. Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn về thực trạng CĐS và triển khai Đề án 06, chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục…
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện cả nước có 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 17/2/2023, Bộ Công an đã phê duyệt hơn 20 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử (đạt 92% so với tổng số hồ sơ được thu nhận); cấp hơn 78,5 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử cho công dân; đã có 94,03% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD tích hợp bảo hiểm y tế; hơn 17,5 triệu công dân sử dụng CCCD đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, CĐS và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh: Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được gắn với kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia…
Tại tỉnh Phú Yên việc thực hiện CĐS đã được thực hiện và đạt một số kết quả. Hệ thống công nghệ thông tin được thiết lập đồng bộ, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo quản lý và điều hành qua môi trường mạng; hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Trung ương. Hoàn thành số hoá dữ liệu Trung tâm lưu trữ của tỉnh thành cơ sở dữ liệu hành chính dùng chung của tỉnh.
Cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và hồ sơ về các Dịch vụ công được hình thành và kết nối, sử dụng qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ, trong đó trên 90% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc. Trong năm 2023, tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Kho dữ liệu mở của tỉnh; các kho dữ liệu chuyên ngành, địa phương; kết nối, chia sẻ hiệu quả dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước với Kho dữ liệu của tỉnh. Đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số để tạo lập dữ liệu chuyên ngành các sở, ngành, địa phương của tỉnh…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với báo cáo, ý kiến tại hội nghị. Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, ngành, địa phương; có cách tiếp cận toàn dân, toàn xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch CĐS năm 2023 của đơn vị…
THỦY TIÊN