Thứ Năm, 07/11/2024 10:26 SA
Phát triển kinh tế biển trở thành động lực, đòn bẩy nền kinh tế
Thứ Bảy, 11/09/2021 11:30 SA

Cảng biển Vũng Rô được đầu tư nâng cấp, có khả năng tiếp nhận tàu 3.000DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay hơn 700.000 tấn/năm. Ảnh: TRẦN QUỚI

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 190km với nhiều vũng, vịnh, đầm phá, bãi, diện tích và vùng đặc quyền kinh tế trên 34.000km2, ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn. Không chỉ thế, trong thời đại ngày nay, kinh tế biển là một ngành kinh tế tổng hợp và có ý nghĩa chiến lược đối với nền kinh tế quốc dân, với nhiều ngành nghề như: du lịch, nuôi trồng thủy sản, vận tải, logistics, điện gió…

 

Lợi thế lớn

 

Là một trong 28 tỉnh thành phố ven biển, Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi một bờ biển dài và những đặc điểm tự nhiên riêng có với trữ lượng lớn và phong phú các loại hải sản. Thềm lục địa có độ dốc lớn về phía nam, nhiều rạn đá do dãy Trường Sơn tạo nên.

 

Theo Viện Nghiên cứu hải sản, vùng biển duyên hải miền Trung trong đó có Phú Yên, khá đa dạng vềchủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó phải kể đến cá ngừ đại dương có giá trị xuất khẩu. Ngoài ra còn nhiều nguồn lợi hải sản đặc biệt khác như tôm, mực, cua huỳnh đế, ghẹ, sò, hải sâm…

 

Năm 2020, sản lượng thủy sản khai thác trên biển và nuôi trồng khoảng 75.000 tấn (trong đó khai thác khoảng 62.000 tấn). Giá trị sản xuất đạt khoảng 4.233 tỉ đồng (gấp 1,3 lần so năm 2015); giá trị sản phẩm thu được bình quân trên mỗi hecta mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 1 tỉ đồng (gấp 1,55 lần so năm 2015); chế biến thủy sản đạt gần 15.000 tấn (gấp 2 lần so năm 2015); giá trịxuất khẩu thủy sản đạt hơn 53 triệu USD (chiếm gần 30% tổng giá trịkim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

 

Phú Yên có bờ biển dài khoảng 190km, khúc khuỷu, có nhiều dải núi chạy sát ra biển, tạo thành các eo vịnh, đầm phá và nhiều bãi tắm đẹp tự nhiên; ven bờ có 16 hòn đảo lớn nhỏ là lợi thế lớn cho hoạt động du lịch biển. Vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô là hai vịnh đẹp của Việt Nam và thế giới, trong đó vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030.

 

Hơn thế, vùng ven biển Phú Yên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử và các lễ hội đặc sắc của ngư dân, tạo nên những nét văn hóa riêng rất thuận lợi phát triển du lịch tổng hợp, nhất là du lịch biển. Nhiều di tích danh thắng vềbiển đảo rất độc đáo, nổi bật như: Di tích quốc gia Vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện, Quần thể Hòn Yến, đặc biệt Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, có một không hai tại Việt Nam…

 

Những năm gần đây, khá nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ đã và đang đầu tư vào các vùng ven biển. Không lâu nữa, nơi đây sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng biển của phân khúc khách du lịch hạng sang.

 

Phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh

 

Qua đánh giá, kết quả đạt được trong trong những năm qua vềphát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư, nhất là vào Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung ven biển với tổng diện tích hơn 460ha, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy 77%; Khu kinh tế Nam Phú Yên với diện tích hơn 20.700ha - là một trong tám khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước.

 

Tuy nhiên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế, như: Hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển còn thiếu và yếu. Du lịch biển chưa có những sản phẩm đặc trưng, nguồn nhân lực còn hạn chế. Quản lý vùng nuôi trồng thủy sản chưa tốt, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát ở một số địa phương vẫn còn diễn ra; ô nhiễm môi trường biển, nguồn lợi thủy sản ven bờ bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khíhậu, biển xâm thực còn nhiều bất cập. KH-CN, nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển. Công tác bảo tồn và phát huy giá trịvăn hóa vùng biển chưa được quan tâm đúng mức…

 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình hành động (CTHĐ) về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

 

Mục tiêu tổng quát của CTHĐ là: Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Tiếp tục xây dựng vùng biển và ven biển có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, là khu vực kinh tế đa ngành, đa chức năng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế biển chủ lực, để đến năm 2030 Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, trên cơ sở phát triển bền vững các ngành kinh tế biển, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, kết hợp với Khu kinh tế Vân Phong tạo thành Vùng kinh tế Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa với quy mô lớn, sức hấp dẫn cao, là động lực thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian đến.

 

Lấy KH-CN tiên tiến, hiện đại và nguồn lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến, kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước.

 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương, trong kỷ nguyên của “Biển và đại dương”, kinh tế biển là động lực, là cơ hội để các địa phương ven biển như Phú Yên vươn lên phát triển đột phá. Để nắm bắt cơ hội thời cuộc này, cần có sự tiếp cận phù hợp, kịp thời cùng sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra, CTHĐ của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp đối với phát triển kinh tế biển và thu hút đầu tư, nhất là vào Khu kinh tế Nam Phú Yên. Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện các quy hoạch và tăng cường liên kết vùng. Huy động hiệu quả các nguồn lực để đầu tư hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, Khu kinh tế Nam Phú Yên. Phát triển bền vững, đột phá các ngành kinh tế biển; tăng cường thu hút đầu tư, nhất là vào Khu kinh tế Nam Phú Yên. Bảo tồn và phát huy văn hóa vùng biển; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai. Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng - an ninh, thực thi pháp luật trên biển.

 

Với những tiềm năng và lợi thế của biển, đảo, cùng với quyết tâm chính trị, Phú Yên xác định kinh tế biển trở thành động lực, đòn bẩy quan trọng để giúp tỉnh bứt phá trong tương lai không xa.

 

Một số chỉ tiêu cụ thể

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo giá trị sản xuất) giai đoạn 2021-2025 vùng biển và ven biển bình quân 12,5-13%/năm.

 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội các địa phương vùng biển và ven biển 5 năm giai đoạn 2021-2025 đạt trên 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh (dự kiến trên 66.500 tỉ đồng).

 

Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nam Phú Yên chiếm trên 50% tổng giá trị thu hút đầu tư trên địa bàn các địa phương vùng biển và ven biển (khoảng 20.000-25.000 tỉ).

 

Đến năm 2025, thu ngân sách nhà nước các địa phương vùng biển và ven biển đóng góp trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek