Thứ Năm, 02/05/2024 01:53 SA
Nhà dài truyền thống của người Ê Đê mất dần
Thứ Ba, 18/10/2022 13:00 CH

Ngồi quanh bếp lửa trong ngôi nhà dài, người già truyền lại những phong tục tập quán, tín ngưỡng cho những người trẻ. Nhà dài chính là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp, gìn giữ bản sắc và những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê.

 

Cầu thang bước lên nhà dài của người Ê Đê được giới thiệu tại ngày hội VH-TT-DL các dân tộc tỉnh Phú Yên. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Tuy nhiên, những ngôi nhà dài của người Ê Đê đang mất dần. Vì vậy, bảo tồn, gìn giữ những ngôi nhà sàn nói chung, nhà dài truyền thống nói riêng là cách để gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của tộc người Ê Đê.

 

Giá trị văn hóa độc đáo

 

Đến các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê ở huyện Sông Hinh, chúng tôi bắt gặp hình ảnh của ngôi nhà dài truyền thống giống như con thuyền lướt sóng. Chiếc cầu thang trước cửa để bước lên ngôi nhà với hình vành trăng khuyết cách điệu, cùng với đôi bầu sữa căng tràn tạo thành một biểu trưng hết sức độc đáo, biểu hiện của sự phồn thịnh.

 

Theo già Y Típ ở xã Ea Trol, nhà sàn của người Ê Đê trước đây được làm bằng tre nứa và gỗ. Mặt sàn và vách tường bao quanh nhà làm bằng thân cây tre già đập dập, mái lợp tranh. Sàn trước ngôi nhà được gọi là Dring Bang. Để lên nhà sàn, phải bước lên các bậc cầu thang. Ở giữa, phía trên của cầu thang có hai bầu vú, tượng trưng cho chế độ mẫu hệ và sựduy trì nòi giống. Khi người con gái lấy chồng, căn nhà sàn được nối dài để làm nơi ở cho đôi vợ chồng mới. Rồi đến đời cháu gái, ngôi nhà lại tiếp tục được nối. Cứ như thế, ngôi nhà sàn dài thêm ra, và được gọi là nhà dài.

 

Ngôi nhà dài của người Ê Đê có hai cửa. Cửa trước là cửa chính (Bang sang), tượng trưng cho phái nam. Cửa sau bếp tượng trưng cho người phụ nữ. Người Ê Đê thường làm nhà theo hướng nam - bắc; cửa sổ mở ra hai hướng đông và tây. Bên trong nhà dài được phân ra thành các gian tùy theo thế hệ chung sống. Đầu tiên là Gah (phòng khách). Sát vách và dưới cửa sổ phía tây đặt chiếc ghế dài (Tơ Rưng) để tiếp khách hoặc các nghệ nhân ngồi đánh chinh, trống. Chiều dài ngôi nhà tùy theo số lượng dầm ngang tương ứng với một đôi cột. Có nhà dài đến 15 đôi cột, tức là 7 gian dài gần 50m. Bước thêm nữa tới Bang Ôk, là những buồng ngủ cho từng cặp vợ chồng, có phên ngăn theo thứ tự.

 

Bếp lửa là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống của người Ê Đê. Không đơn thuần là nơi để nấu ăn, sưởi ấm, bếp lửa còn là nơi các thành viên trong nhà tụ họp bàn chuyện làm ăn, dựng vợ gả chồng, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống và chủ yếu do phụ nữ cai quản, phụ trách.

 

Theo già làng Y Típ, người Ê Đê vẫn giữ chế độ mẫu hệ, con sinh ra lấy họ mẹ. Người phụ nữ được hưởng phần lớn tài sản trong đó có nhà dài. Vì vậy, không gian nhà sàn dài là sự chung sống của nhiều thế hệ trong gia đình, mỗi gian là một thế hệ.

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, nhà dài của người Ê Đê về kết cấu nhìn rất đơn giản nhưng đó là tâm huyết của cả thế hệ, nơi mà các thành viên gia đình sum vầy, chung sống. Kiến trúc nhà dài được xem như biểu tượng của giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Ê Đê, tượng trưng của sự sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống, sự kết nối cộng đồng.

 

Nhà dài truyền thống của người Ê Đê ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ

 

Cần gìn giữ và phát huy giá trị

 

Nhà sàn nói chung, nhà dài truyền thống nói riêng giờ đây dần được thay thế bằng những ngôi nhà gạch kiên cố. Những ngôi nhà dài còn lại thì kiến trúc đã thay đổi nhiều, như mái lợp bằng tôn hoặc ngói; hầu hết cầu thang lên xuống không còn biểu trưng của chế độ mẫu hệ, thay vào đó là những mảnh ván ghép lại hoặc được làm bằng bê tông giống như cầu thang của người Kinh. Cách bài trí trong các gian nhà cũng khác đi nhiều, không còn giữ được những nét truyền thống.

 

Theo mí Luôn ở xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), do nguồn vật liệu gỗ ngày càng khan hiếm, đắt đỏ nên đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển hướng sang xây dựng nhà theo kiến trúc của người Kinh. Giờ đây, để dựng một ngôi nhà sàn truyền thống phải đi tìm gỗ, tranh... vô cùng khó khăn, trong khi xây nhà ngói hoặc tôn mọi thứ đều bán sẵn.

 

Theo ông Kpă Y Hôn, Chủ tịch UBND xã Suối Trai, nhà dài truyền thống là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của tộc người Ê Đê. “Để nhà sàn và nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê trường tồn trong không gian của đại ngàn, cần có giải pháp, cách làm bài bản, lâu dài, nhất là có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước. Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa, bản sắc ngôi nhà sàn và nhà dài truyền thống”, ông Kpă Y Hôn bày tỏ. 

 

Để nhà sàn và nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê trường tồn trong không gian của đại ngàn, cần có giải pháp, cách làm bài bản, lâu dài, nhất là có sự quan tâm đầu tư đúng mức của Nhà nước. Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa, bản sắc ngôi nhà sàn và nhà dài truyền thống.

 

Chủ tịch UBND xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa Kpă Y Hôn

 

THIÊN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek