* Nghiên cứu của Mỹ xác định các triệu chứng chính của COVID kéo dài
Ngày 26/5, Liên minh châu Âu (EU) và các công ty dược phẩm gồm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo đã đạt được thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng cung ứng vắcxin phòng bệnh COVID-19, theo đó giảm số lượng vắcxin và lùi thời điểm giao hàng đến năm 2026.
Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tháng đàm phán và trong bối cảnh EU đang phải chịu sức ép từ các quốc gia thành viên yêu cầu sửa đổi hợp đồng do tình trạng dư thừa vắcxin ngừa COVID-19 và nhu cầu tiêm mũi tăng cường còn thấp.
Một số quốc gia EU đã buộc phải tiêu hủy những lô vắcxin hết hạn.
Trong một tuyên bố, Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides cho biết việc sửa đổi hợp đồng vắcxin với Pfizer/BioNTech phù hợp với nhu cầu thực tế.
Theo hợp đồng ban đầu được ký vào tháng 5/2021, đến cuối năm nay, Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp cho EU 900 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 và có thể cung cấp thêm 900 triệu liều sau đó.
Tuy nhiên, khoảng hơn 50% trong số 900 triệu liều vắcxin theo hợp đồng vẫn chưa được giao do nhu cầu giảm vào năm ngoái. EU cũng không đề nghị mua bổ sung vắcxin như dự định ban đầu.
Các thông báo của Ủy ban châu Âu (EC) và Pfizer/BioNTech không nêu cụ thể số lượng vắcxin cắt giảm trong hợp đồng.
Tuy nhiên, một nguồn thạo tin cho biết hai bên sẽ giảm khoảng 30% lượng vắcxin chưa giao trong số 900 triệu liều ban đầu.
Theo nguồn tin này, các quốc gia thành viên EU sẽ phải trả một khoản phí cho mỗi liều vắcxin bị hủy. Cũng theo hợp đồng sửa đổi, EU vẫn sẽ tiếp tục được tiếp cận với các loại vắcxin ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các biến thể mới ngay khi vắcxin được cơ quan quản lý cấp phép.
* Một nghiên cứu của Mỹ cho thấy 1 trong 10 người có triệu chứng COVID kéo dài sau khi nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, thấp hơn mức ước tính trước đó trong khi xảy ra dịch.
Nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia (NIH), công bố ngày 25/5 trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Mỹ, được tiến hành với gần 10.000 người Mỹ, trong đó có hơn 8.600 người trưởng thành đã mắc COVID-19 tại nhiều thời điểm khác nhau trong dịch, và so sánh với 1.100 người chưa nhiễm virus nhằm giúp làm sáng tỏ tình trạng bệnh lý bí ẩn này.
Các phát hiện ban đầu cho thấy hàng chục triệu chứng để phân biệt rõ nhất COVID kéo dài - thuật ngữ chung để chỉ các vấn đề sức khỏe suy nhược có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi mắc COVID-19 dù ở thể nhẹ.
Câu hỏi lớn nhất là làm thế nào để xác định và trợ giúp những người có triệu chứng COVID kéo dài. Nghiên cứu mới tập trung vào khoảng 10 triệu chứng có thể giúp xác định COVID kéo dài: mệt mỏi, sương mù não, chóng mặt, các triệu chứng về dạ dày và ruột, tim đập nhanh, các vấn đề về tình dục, mất mùi hoặc vị, khát, ho kéo dài, đau ngực.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân của tình trạng này và tại sao chỉ xảy ra ở một số người, cũng như cần xử lý như thế nào, hoặc thậm chí làm thế nào để chẩn đoán chính xác nhất. Xác định rõ tình trạng bệnh là chìa khóa để nghiên cứu trả lời các câu hỏi trên.
Theo một số ước tính trước đây, khoảng 1 trong 3 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng COVID kéo dài. Con số này tương tự ở những người tham gia nghiên cứu của NIH thông báo mệt mỏi trước khi biến thể Omicron bắt đầu hoành hành tại Mỹ tháng 12/2021.
Nhưng khoảng 2.230 bệnh nhân nhiễm virus lần đầu sau khi nghiên cứu bắt đầu, và kết quả là chỉ khoảng 10% có các triệu chứng kéo dài sau 6 tháng. Chứng tỏ rằng nguy cơ mắc COVID kéo dài đã giảm kể từ khi Omicron xuất hiện và vẫn đang tiếp tục giảm.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)