Trước tình hình số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện một số biến thể mới của biến chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.12.1… có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, khẳng định đây vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Số ca mắc tăng hơn 30%
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình hơn 1.000 ca COVID-19 mỗi ngày, cao nhất trong hai tháng qua. So với tuần trước đó, số ca mắc đã tăng hơn 30%, song số ca nặng giảm 14,4%.
Tại Phú Yên, báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho thấy, từ ngày 24-30/7, toàn tỉnh có 36 ca COVID-19 được ghi nhận, tăng 19 ca so với tuần trước. Trong đó, TP Tuy Hòa 12 ca, TX Đông Hòa 2 ca, huyện Tuy An 6 ca, huyện Sơn Hòa 8 ca, huyện Sông Hinh 6 ca; huyện Tây Hòa và TX Sông Cầu, mỗi địa phương 1 ca. Trong 14 ngày qua, trên địa bàn tỉnh có 53 ca nhiễm được ghi nhận, tăng 27 ca so với hai tuần trước đó.
Lý giải nguyên nhân số ca COVID-19 tăng trở lại, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý rằng dịch COVID-19 vẫn còn; biến thể mới tiếp tục xuất hiện, tốc độ lây lan nhanh hơn. Trong khi đó, miễn dịch mà cơ thể có được do mắc COVID-19 không bền vững, hiệu quả của vắc xin cũng giảm theo thời gian. Mặt khác, khi tất cả hoạt động đều được nới lỏng, tiếp xúc người với người tăng; một số người đã chủ quan, không đeo khẩu trang, không rửa tay khử khuẩn thường xuyên…
Tiêm vắc xin - biện pháp có ý nghĩa chiến lược
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trở lại trên cả nước với sự xuất hiện một số biến thể mới của biến chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.12.1… có khả năng lây lan và khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, Bộ Y tế tiếp tục đôn đốc việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, khẳng định đây vẫn là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tiến độ tiêm vắc xin còn chậm; vắc xin được phân bổ nhưng chưa sử dụng còn nhiều.
Mới đây, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập kế hoạch triển khai và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay cho các nhóm đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. UBND các tỉnh, thành phố quan tâm và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vắc xin phòng COVID-19 an toàn cho các nhóm đối tượng để cơ bản hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch…), tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên và mũi 4 cho những người có chỉ định tiêm. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vắc xin được phân bổ.
Phú Yên đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 627.413 người từ 18 tuổi trở lên, đạt 100% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 605.704 người tiêm 2 mũi, đạt 100%; có 346.816 người tiêm mũi nhắc lại lần 1, chiếm 57,55%; 79.142 người tiêm mũi bổ sung, chiếm 13,13% và có 39.871 người tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Đối với người từ 12-18 tuổi, toàn tỉnh đã có 88.214 người được tiêm vắc xin, đạt 100% tổng số người từ 12-18 tuổi, trong đó có 84.186 người tiêm 2 mũi, chiếm 98,25%; có 7.576 người tiêm mũi nhắc lại lần 1, chiếm 8,84%. Ngành Y tế Phú Yên tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đã tiêm được 69.816 trẻ, chiếm 69,28% tổng số trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 38.984 trẻ tiêm 2 mũi, chiếm 38,7%.
BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên khẳng định: “Trong các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin là biện pháp then chốt. Người dân đã tiêm các mũi cơ bản hoặc đã nhiễm SARS-CoV-2 rồi nhưng miễn dịch của cơ thể chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, từ 4-6 tháng, sau đó sẽ giảm. Như vậy, các mũi tiêm nhắc lại như mũi 3, mũi 4 là rất quan trọng, sẽ kích hoạt lại để đưa miễn dịch tăng lên, giúp cơ thể chống đỡ với việc nhiễm virus và nếu có nhiễm thì cũng không dẫn đến tình trạng nặng, tử vong”.
YÊN LAN