Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em, áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Theo hướng dẫn, đa số trẻ nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Sau khi khỏi bệnh, một số trẻ có hội chứng sau nhiễm COVID-19 cấp tính. Hội chứng sau nhiễm COVID-19 cơ chế sinh bệnh chưa rõ; triệu chứng hô hấp là thường gặp nhất; hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em ít gặp nhưng nặng, cần nhập viện cấp cứu. Các yếu tố nguy cơ sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em, gồm: Trẻ thừa cân, béo phì; trẻ trên 6 tuổi; là nữ; có bệnh nền, bệnh lý mạn tính; tiền sử dị ứng, hen, cơ địa dị ứng; điều trị trước đó có thở máy, hồi sức sốc, lọc máu, ECMO, nằm khoa hồi sức cấp cứu; chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19; mắc COVID-19 nặng; nằm viện kéo dài.
Nguyên tắc điều trị sau nhiễm COVID-19 ở trẻ em là cấp cứu ngay khi người bệnh có dấu hiệu cấp cứu; điều trị triệu chứng; dinh dưỡng đầy đủ; phục hồi chức năng, tập thể dục, khuyến khích vận động; tư vấn tâm lý cho trẻ và gia đình; hướng dẫn theo dõi tại nhà và tái khám.
Đa số trường hợp hội chứng hậu COVID-19 thường nhẹ, được điều trị ở tầng 1 (trạm y tế phường/xã/thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình, trung tâm y tế, bệnh viện quận/huyện) hoặc tầng 2 (bệnh viện đa khoa quận/huyện). Một số ít trường hợp mức độ nặng hoặc nguy kịch hoặc có chỉ định chuyển khám chuyên khoa sẽ được điều trị tại tầng 3 (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chuyên khoa nhi tuyến cuối).
Biện pháp phòng ngừa sau nhiễm COVID-19 là tránh bệnh COVID-19 bằng cách tiêm vắc xin ngừa SARS-CoV-2 cho trẻ từ 5-16 tuổi đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
QUỲNH NHƯ