Để đảm bảo an toàn tiêm chủng khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Sở Y tế đã chỉ đạo chỉ tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm được phê duyệt đủ điều kiện; tổ chức tập huấn về công tác tiêm chủng, hướng dẫn khám sàng lọc, hướng dẫn chẩn đoán và xử trí các phản ứng sau tiêm thường gặp ở trẻ em…
Kết quả khảo sát ban đầu của các địa phương cho thấy, trên địa bàn tỉnh có gần 104.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó gần 91.300 trẻ đủ điều kiện và cha mẹ đồng ý tiêm chủng, chiếm 88,8%; hơn 18.700 trường hợp không đồng ý tiêm và hơn 6.000 trẻ thuộc diện trì hoãn tiêm vì mới mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng.
Dự kiến toàn tỉnh có 381 điểm tiêm, trong đó có 110 điểm tiêm tại trạm y tế/phòng dân số và y tế cơ sở, 271 điểm tiêm tại các trường học. Đối với các trường hợp mắc bệnh nền, ngành Y tế sẽ tổ chức tiêm tại các bệnh viện.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, để đảm bảo an toàn tiêm chủng khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Sở Y tế đã chỉ đạo chỉ tổ chức tiêm chủng tại các điểm tiêm đã được phê duyệt đủ điều kiện tiêm chủng trước khi triển khai (về cơ sở vật chất, về nhân lực, trang thiết bị, thuốc để xử lý cấp cứu…); tổ chức tập huấn về công tác tiêm chủng, hướng dẫn khám sàng lọc, hướng dẫn chẩn đoán và xử trí các phản ứng sau tiêm thường gặp ở trẻ em… Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, Trung tâm Cấp cứu 115 và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ cấp cứu tại chỗ và tổ cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm để sẵn sàng hỗ trợ xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.
Bác sĩ Mộng Ngọc lưu ý: Cha mẹ và trẻ cần chuẩn bị tâm lý thoải mái khi đi tiêm chủng; xem việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 như tiêm những loại vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà trẻ đã từng tiêm. Cha mẹ cho trẻ ăn no trước khi đi tiêm chủng; cho trẻ mặc trang phục thoải mái, áo ngắn tay để tiện cho việc tiêm chủng. Trước ngày tiêm chủng, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi thoải mái, cho trẻ đi ngủ sớm và không hoạt động thể lực quá mạnh.
“Sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi trong 28 ngày, đặc biệt là 7 ngày đầu sau tiêm. Các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như: đau tại chỗ tiêm, sốt dưới 38,50C; đau cơ, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu - các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng cảm cúm - và sẽ mất đi sau 2-3 ngày. Tuy nhiên, trẻ cũng có thể gặp các phản ứng nặng hiếm gặp khác như phản vệ muộn hoặc biến chứng viêm cơ tim. Cha mẹ, người thân của trẻ cần dặn trẻ khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe cần báo ngay cho người lớn bên cạnh. Nếu trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng, gia đình cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc báo ngay cho Trung tâm Cấp cứu 115. Sau khi tiêm chủng, cha mẹ cần tiếp tục cho trẻ ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi thoải mái, cho trẻ đi ngủ sớm và không hoạt động thể lực quá mạnh”, Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo.
Các trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19: Trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin/thành phần của vắc xin phòng COVID-19 trong các lần tiêm trước (như sốt cao trên 39,50C kèm co giật hoặc các dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở…).
Các trường hợp trì hoãn tiêm vắc xin phòng COVID-19: Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính hoặc giai đoạn cấp của bệnh mạn tính; trẻ có bằng chứng mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng từ thời điểm khởi phát (đồng thời đánh giá các vấn đề sức khỏe liên quan đến hậu COVID-19. Trong trường hợp cụ thể, xem xét lợi ích - nguy cơ có thể tiêm sớm hơn cho trẻ ngay khi khỏi bệnh). Trẻ có hội chứng viêm đa cơ quan (Mis-C) thì hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. |
QUỲNH NHƯ