Theo đánh giá từ Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Số ca mắc mới sau một thời gian tăng cao khi tiến hành các biện pháp mở cửa, đến cuối tháng 3 đã bắt đầu giảm mạnh, trong khi tỉ lệ và số ca chuyển nặng, nhập viện và tử vong tiếp tục giảm sâu.
Liên tiếp trong nhiều ngày gần đây, số người mắc COVID-19 khỏi bệnh ở Việt Nam nhiều hơn số ca mắc mỗi ngày. Đến nay, tổng số ca được điều trị khỏi tại Việt Nam là 8.532.523 ca.
Cả nước chỉ còn 165 xã, phường thuộc vùng đỏ
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/4/2022, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Hiện cả nước còn có 2.159 xã, phường cấp độ 3 - nguy cơ cao (chiếm 20.4% số xã, phường cả nước); 163 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao (1,5%) tại 16 tỉnh, thành phố.
Số xã, phường đạt cấp độ dịch 1 - vùng xanh là 5.883 (chiếm 55,5% số xã, phường của cả nước); Có 2.399 xã, phường thuộc cấp độ dịch 2 - vùng vàng (chiếm 22,6% tổng số xã phường của cả nước).
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc cấp độ dịch nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình.
Vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án với tình huống dịch bệnh có diễn biến mới bởi biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn... Bên cạnh đó, ngành y tế cần phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, số liệu thống kê liên quan tới phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, chính xác, khách quan.
Ngàng y tế cũng như các địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với những diễn biến mới của dịch bệnh, vừa củng cố, thúc đẩy những việc đã làm được, vừa phải tiếp tục bám sát tình hình, dự báo, chuẩn bị các kịch bản, biện pháp để nếu có tình huống xảy ra thì không quá bị động, bất ngờ.
Chỉ còn 1.400 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày. So với tuần trước, số mắc trong cộng đồng giảm 36,9%, số tử vong giảm 26,1%, số đang điều trị tại bệnh viện giảm 26,7%, số ca nặng, nguy kịch giảm 31,7%.
So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%. Tỉ lệ chết/mắc của 30 ngày qua giảm mạnh từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% trong tháng này; đây là số tử vong giảm thấp nhất tính từ tháng 8 năm 2021.
Nguyên nhân chủ yếu là do tỉ lệ tiêm vắc xin tại Việt Nam cao; lựa chọn đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin của Việt Nam phù hợp, hiệu quả; năng lực y tế của Việt Nam dần được nâng lên và đáp ứng yêu cầu tốt hơn. Đặc biệt, việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh phù hợp, kịp thời, đúng thời điểm, đi trước nhiều nước trong khu vực.
Hệ thống y tế đã trụ vững trong đợt cao điểm của dịch với khả năng đáp ứng tối đa 200.000 giường điều trị. Thời điểm số ca nhập viện điều trị cao nhất là khoảng 150.000 trường hợp vào ngày 15/3 và hiện còn khoảng 65.000 trường hợp đang điều trị.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.198.236 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 103.136 ca nhiễm).
Số bệnh nhân nặng điều trị giảm mạnh, hiện còn 1.403 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 978 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 188 ca; thở máy không xâm lấn: 55 ca; thở máy xâm lấn: 180 ca; ECMO: 2 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.813 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Đến ngày 6/4/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 230 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Cả nước đã triển khai tiêm được hơn 207 triệu liều. Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 190 triệu liều, tỉ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 100%, 99,8%.
Số liều tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu liều; tỉ lệ bao phủ mũi 1, 2 cho nhóm tuổi này lần lượt là 99,8% và 95,1%.
Theo TTXVN/Vietnam+