Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Đức cho thấy lượng hạt khí dung mang virus SARS-CoV-2 mà trẻ em tạo ra khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thấp hơn nhiều so với người lớn, qua đó có thể làm giảm khả năng lây truyền virus.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Berlin phát hiện rằng trẻ em tạo ra ít hạt khí dung chứa virus SARS-CoV-2 vào không khí hơn, đặc biệt khi thở, nói chuyện hoặc hát.
Các chuyên gia tin rằng những người mắc COVID-19 phát tán lượng hạt khí dung thấp hơn khi nói chuyện có tải lượng virus thấp hơn.
Điều này cũng có nghĩa là họ không lây truyền virus cho người khác ở mức độ giống nhau. Phát hiện cho thấy trẻ em nếu mắc COVID-19 ít có khả năng lây truyền virus ngay cả khi trẻ không đeo khẩu trang.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu của 15 người trưởng thành từ 23-64 tuổi và 15 trẻ em từ 8-10 tuổi. Tất cả những người tham gia nghiên cứu là thành viên của các dàn hợp xướng chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo lượng hạt khí dung mà các tình nguyện viên tạo ra khi thở, nói, hát và hét trong một không gian kín. Kết quả cho thấy trung bình nhóm trẻ em khi thở, nói hoặc hát phát tán một lượng hạt khí dung chỉ bằng 25% so với nhóm người lớn. Tuy nhiên, khi cả trẻ em và người lớn hét lên, lượng virus phát tán ở mức tương đương.
Trẻ em được cho là ít có nguy cơ bị ảnh hưởng của COVID-19 hơn so với người lớn. Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, số trẻ em tử vong do mắc COVID-19 chiếm tỉ lệ chưa đến 0,1%.
Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Utah thực hiện vào mùa thu năm ngoái - trước khi biến thể Omicron xuất hiện - cũng cho thấy 50% số ca mắc COVID-19 ở trẻ em là ca không có triệu chứng.
Theo TTXVN/Vietnam+