Tại tọa đàm "Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em - những lưu ý quan trọng" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, chia sẻ về vai trò của vắc xin trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, từ thực tiễn chống dịch tại "điểm nóng" TP Hồ Chí Minh, PGS -TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh bày tỏ: Tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam trong cả năm 2021 và đặc biệt là từ tháng 7/2021, với hơn 30 năm trong ngành y, lần đầu tiên tôi chứng kiến trận dịch ngoài sức tưởng tượng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi là một phản ứng chính sách tôi cho là rất sáng suốt và kịp thời. Ảnh VGP |
Trong cuộc chiến này, vắc xin đóng vai trò rất quan trọng, là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Sau khi bao phủ được 2 mũi vắc xin cho người lớn và đến mũi thứ 3 chúng ta đã thấy rõ hiệu quả của vắc xin mang lại. Ngoài những công tác khác thì rõ vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số người mắc COVID-19.
Sau chuyện người lớn được tiêm vắc xin thì sự lo lắng dồn qua trẻ em dưới 18 tuổi. Việc Chính phủ kịp thời chỉ đạo tổ chức tiêm cho các cháu dưới 18 tuổi là chủ trương vô cùng đúng đắn.
Triển khai chủ trương đó, chúng tôi đã tổ chức tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Hiện trường học mở cửa trở lại. Học sinh từ lớp 6 đến 12 yên tâm đi học.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021 có 150 trường hợp, đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp. Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm. Tuy nhiên tiêm vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện.
Chia sẻ về vấn đề này PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế trong thời gian vừa qua, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỉ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Tuy nhiên, yếu tố nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5 đến 11 tuổi chiếm tỉ lên đến 8%, trong 19,3%. Đây là nhóm mà chúng ta hết sức lưu ý. Thực tế ở Hà Nội, do phủ được vắc xin tốt ở tất cả các nhóm trên 12 tuổi, tình trạng bệnh nhẹ là chủ yếu. Các trường hợp mắc trong thời gian vừa qua, ở độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi, chiếm tỉ lệ lớn.
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: Qua ý kiến của các chuyên gia y tế trong việc tiêm chủng vắc xin và phòng chống dịch COVID 19 đã cho thấy một bức tranh hiện lên rất rõ. Các số liệu so sánh giữa người được tiêm và không được tiêm, nhập viện tỉ lệ là bao nhiêu, mức độ nặng tỉ lệ là bao nhiêu. Chúng ta thấy chênh lệch "một trời một vực", rõ ràng trẻ em ở lứa tuổi chưa có chính sách tiêm chủng (từ 5 đến 11 tuổi) thì nhập viện nhiều hơn và bệnh nặng nhiều hơn. Trẻ em trên tuổi đó đã tiêm chủng đầy đủ rồi thì gần như là số lượng không đáng kể và những tuyến bệnh nặng cũng không có.
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng: "Quả thực đó là những thông tin có sức thuyết phục cao nhất và chúng ta đứng trước một vấn đề rất hệ trọng, không chỉ cho các em mà cho cả tương lai của đất nước".
Ông lý giải, nếu chúng ta tiêm chủng đầy đủ thì các em mới đến trường được. Học online là tình thế bắt buộc thôi vì con người ta ở thời điểm đi học, không chỉ là học ở trường lớp, nhận được nhiều kiến thức hơn mà có một ngàn lẻ một lợi ích theo nữa mà học online không có được.
Đó là giao tiếp, đó là kỹ năng hợp tác với nhau, bởi vì trong thời đại này, không hợp tác với nhau, cứ làm một mình thì làm sao anh làm được công việc. Nhiều thứ lợi ích gắn với việc trẻ em đến trường đi học. Thành thử việc trẻ em đến trường đi học rất quan trọng trong việc bảo đảm tương lai cho chúng ta".
Đồng thời, điều đó không chỉ quan trọng đối với các em, mà quan trọng cả đối với bố mẹ các em, bởi vì nếu các em ở nhà thì làm sao còn sức đi làm được, công đâu mà một nửa thời gian ở bên này một nửa thời gian ở bên kia.
Rồi tâm lực, trí lực cũng không thể đủ để dồn sức phát triển và làm việc cho tốt, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc trẻ em được tiêm chủng để chúng ta tự tin mở lại trường học để trẻ em đến trường đi học là một vấn đề rất quan trọng, thuộc vào ưu tiên của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
"Chính vì thế, vừa qua, Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Đây là một phản ứng chính sách tôi cho là rất sáng suốt và kịp thời của Chính phủ. Sắp tới, tiêm chủng cho trên 10 triệu trẻ em của chúng ta là mảnh ghép cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển", TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ.
Trẻ em là tương lai của đất nước, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vừa qua cũng theo định hướng đó.
Các chuyên gia y tế đã khẳng định, tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Do đó, các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho con em mình.
Bởi xét từ góc độ thương con thì phải bảo vệ con tốt hơn, thương con thì phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của con mình.
Nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em!
Theo Chinhphu.vn