Những ngày đầu xuân Nhâm Dần, chúng ta đón nhận nhiều thông tin vui về sự phục hồi, tăng trưởng các chỉ số kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một chỉ số khác cũng tăng quá nhanh, đó là số ca nhiễm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế công bố ngày 9/2 có khoảng 24.000 ca nhiễm tại 62 tỉnh, thành; trong đó 16.608 ca cộng đồng, là ngày ghi nhận số ca nhiễm cao nhất kể từ tháng 10/2021, thời điểm bắt đầu cuộc sống thích ứng với COVID-19.
Tại Phú Yên, ngày 9/2, ghi nhận 384 ca nhiễm SARS-CoV-2, hầu hết là ca cộng đồng. Trước đó, 8/2, toàn tỉnh phát hiện 272 ca… Đây cũng là những con số cao tốp đầu trong làn sóng dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói là trong số này có rất nhiều người đã được tiêm hai mũi, ba mũi vắc xin phòng COVID-19, và trẻ em dưới 12 tuổi.
Những con số rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, thực tế có thể còn nhiều hơn. Bởi hiện nay, số người tự nguyện đến cơ sở y tế khai báo hoặc xét nghiệm không nhiều, đa phần họ tự xét nghiệm và điều trị tại nhà trong những ngày tết. Theo các chuyên gia y tế, việc này có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là khi có sự xuất hiện các ca biến chủng Omicron. Như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 8/2: Nếu không kiểm soát, số nhiễm tăng quá mức sẽ tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm nguy cơ cao trở nặng như người già, người có bệnh nền.
Có những dấu hiệu chủ quan nhất định trong ý thức và việc tự thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của người dân: không tuân thủ quy tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế); chen lấn ở các điểm vui chơi giải trí; ken chân ở các hàng quán... Có những tâm lý, quan điểm sai lầm cho rằng hiện nay, COVID-19, ngay cả biến thể Omicron, cũng giống như bệnh cảm thông thường. Trong khi điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khi số người chết vì biến chủng Omicron đã vượt con số nửa triệu.
Cũng có một quan điểm nguy hiểm khác là một số người về quê chơi, du lịch tết, khi quay trở về thường có tâm lý giấu bệnh… và rằng “ai rồi cũng mắc COVID-19, mắc trước khỏi mắc sau”. Điều này là hoàn toàn sai lầm, vì COVID-19 không phải ai mắc cũng ở thể nhẹ, có thể vượt qua; và COVID-19 không phải mắc một lần là miễn nhiễm suốt đời. Cần phải hiểu rằng, nếu mắc bệnh thì nên khai báo, tuân thủ cách ly để tránh lây lan dịch cho cộng đồng.
Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cũng như các địa phương, luôn quán triệt tinh thần phòng chống dịch là không lơ là chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, lo lắng, cực đoan; mở lại các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, trong điều kiện thích ứng an toàn. Bộ Y tế mới đây tiếp tục yêu cầu các địa phương nâng mức cảnh giác cao nhất với dịch COVID-19, đặc biệt với biến chủng mới Omicron.
Để tránh nguy cơ bùng phát dịch trở lại, bên cạnh các biện pháp, cơ chế của chính quyền, thì điều quan trọng nhất, nếu không nói là quyết định, vẫn là ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Sau hai năm cả hệ thống chính trị, toàn dân chống dịch, các nguồn lực gần như cạn kiệt, người dân bị tổn hao nghiêm trọng sức khỏe, tinh thần và cả tính mạng. Nếu tái thực hiện giãn cách xã hội thì sẽ ra sao? Vậy nên, mỗi người dân chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu nghi ngờ có thể tự test nhanh, khai báo và điều trị. Người có bệnh nền, tuổi cao hoặc chưa tiêm vắc xin cần chủ động bảo vệ bản thân, đồng thời luôn áp dụng 5K, biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, không tốn kém, nhưng vô cùng cần thiết và hiệu quả với COVID-19 cho đến thời điểm hiện tại.
TRẦN QUỚI