Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; các cục thuế, cục hải quan các địa phương chỉ đạo ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng chính sách trong hoạt động ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch COVID-19.
Thực hiện Nghị quyết 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp các năm 2020 và năm 2021, doanh nghiệp, tổ chức được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Quá trình thực hiện chính sách nêu trên trong thời gian qua đã có ý kiến phản ánh về trường hợp doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng việc ủng hộ, tài trợ bằng hiện vật (thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế và các loại hàng hóa khác) nhưng hạch toán giá trị hiện vật vượt quá giá trị thực tế để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không đúng với quy định của pháp luật thuế, gây ảnh hưởng đến hoạt động ủng hộ, tài trợ mang tính nhân văn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.
Để ngăn chặn, xử lý tình trạng lợi dụng chính sách nêu trên, đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài chính đề nghị:
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm hành vi nâng giá trị, khai giá trị bất hợp lý trong hoạt động ủng hộ, tài trợ; chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp quản lý chặt chẽ giá mua bán hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ.
Các trường hợp giá mua bán trên hợp đồng, giá trên hóa đơn hàng hóa, dịch vụ không đúng với thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; thường xuyên nắm bắt thông tin, vận động và tuyên truyền doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ, tài trợ và đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ kê khai trung thực và chia sẻ thông tin về khoản ủng hộ, tài trợ đúng với thực tế.
Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ nếu sử dụng sai mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Công văn cũng yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi vi phạm pháp luật về thuế và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; tăng cường phối hợp công tác quản lý thuế và công tác quản lý giá trong hoạt động ủng hộ, tài trợ.
Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục thuế, cục hải quan phối hợp với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương để quản lý thuế đối với các hoạt động ủng hộ, tài trợ đảm bảo việc thực hiện đúng quy định, ngăn chặn hành vi lợi dụng chính sách.
(Chinhphu.vn)