Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, để sống chung an toàn với dịch bệnh, mỗi người dân phải chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc xin đủ liều; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh nhằm nâng cao sức đề kháng và điều trị tốt các bệnh nền nếu có, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là thực hiện 5K.
Báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh trong ngày đầu năm mới 2022 cho thấy Phú Yên đã ghi nhận hơn 7.700 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong đợt dịch thứ tư, trong đó gần 5.860 bệnh nhân đã khỏi bệnh xuất viện. Trong 15 ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.638 ca nhiễm mới, gồm 844 ca nhiễm trong cộng đồng, 684 ca nhiễm là F1 và 110 ca nhiễm về từ các tỉnh thành có dịch. Toàn tỉnh có hơn 1.800 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Giảm tải cho hệ thống y tế
BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết: Khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, các hoạt động giao thông, thương mại dần khôi phục về trạng thái bình thường, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh gia tăng dần, có ngày đã vượt mốc 200 bệnh nhân, gần gấp đôi so với những ngày cao điểm giữa tháng 7, tháng 8/2021. Số bệnh nhân cần điều trị tăng cao. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã cho phép triển khai thí điểm điều trị F0 nhẹ/không triệu chứng tại nhà. Đến nay, hầu hết địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng kế hoạch thực hiện, điển hình là TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa và huyện Phú Hòa với hơn 600 bệnh nhân. “Mô hình này đã giảm tải cho hệ thống y tế để tập trung nhân lực chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tỉ lệ tử vong do COVID-19. Bệnh nhân được chăm sóc sức khỏe tại nhà trong điều kiện đầy đủ tiện nghi hơn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, chế độ dinh dưỡng đầy đủ hơn, nghỉ ngơi thuận lợi hơn, sức khỏe mau hồi phục. Ngoài ra, người bệnh có thể làm thêm công việc trong nhà, làm việc trực tuyến”, bác sĩ Mộng Ngọc nói.
Rõ ràng, việc điều trị F0 nhẹ/không triệu chứng tại nhà có nhiều ưu điểm. Điều mà cộng đồng quan tâm là làm thế nào để việc cách ly, điều trị F0 tại nhà vừa an toàn cho người bệnh, vừa an toàn cho cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế đã hướng dẫn quy trình thực hiện rất cụ thể, trong đó người bệnh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sức khỏe cá nhân, khả năng nhận biết và liên hệ với nhân viên y tế khi có triệu chứng trở nặng, nhà ở phải đảm bảo điều kiện cách ly. Ban chỉ huy Phòng, chống dịch địa phương phân công các tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng thường xuyên thăm hỏi, tiếp nhận thông tin phản ánh của các bệnh nhân để xử lý kịp thời. Qua theo dõi, đến nay chưa có trường hợp nào trong số các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà diễn biến nặng, nguy kịch, chỉ có 11 trường hợp chuyển vào bệnh viện điều trị nội trú khi có triệu chứng mức độ trung bình, tình trạng sức khỏe vẫn ổn định”.
Rà từng người để tiêm vét vắc xin
Tình hình dịch COVID-19 trong nước cơ bản đang được kiểm soát nhưng số ca nhiễm SARS-CoV-2 có xu hướng tăng; số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai... và chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19). Tại Phú Yên, tỉ lệ tử vong do/liên quan đến COVID-19 thấp so với tỉ lệ của cả nước. Gần đây nhất, trong vòng một tuần (từ ngày 22-28/12/2021) có 9 ca tử vong, hầu hết là người cao tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Người cao tuổi nhất sinh năm 1925, tử vong chỉ sau 6 giờ kể từ lúc nhập viện. Có một bệnh nhân sinh năm 1962, không có bệnh nền, tử vong sau gần 8 giờ nhập viện. Bệnh nhân này cũng chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trước tình hình trên, nhất là trong bối cảnh nước ta đã có những trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn trong độ tuổi được chỉ định; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vét vắc xin, không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; xem xét chế tài xử lý các trường hợp kiên quyết không tiêm vắc xin phòng COVID-19 (trừ trường hợp chống chỉ định); triển khai tiêm mũi bổ sung, tăng cường, đồng thời tổ chức tiếp nhận, nhanh chóng phân bổ thuốc kháng virus theo kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế…
Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cũng yêu cầu tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là diễn biến của biến chủng Omicron để có phương án phòng chống dịch hiệu quả; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Để sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân phải biết cách nhận biết các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở, mất/giảm vị giác, khứu giác…; nên biết cách tự làm xét nghiệm kiểm tra khi có những triệu chứng này hoặc liên hệ cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ. Nếu chẳng may mắc bệnh, phải tự giác khai báo y tế để được cách ly, điều trị, để đảm bảo sức khỏe và tránh làm lây lan cho cộng đồng.
BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh |
YÊN LAN