Bộ Y tế vừa có công văn về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Theo đó, để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, theo khuyến cáo của Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước, Bộ Y tế đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Những địa phương đã đạt được độ bao phủ vắc xin cao cần rà soát kỹ và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vắc xin.
Về tiêm liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19, đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc xin) bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, nhiễm HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. Tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Vắc xin tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA. Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Về tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19, đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc xin mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc xin mRNA hoặc vắc xin véc tơ virus (vắc xin Astrazeneca). Tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Đối với những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.
Tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty
Để tiếp tục tăng diện bao phủ vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt đối với việc sử dụng vắc xin Comirnaty (Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine), Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các lô vắc xin Comirnaty được tăng hạn được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ thông tin đầy đủ về hạn dùng của vắc xin được tăng hạn được sử dụng.
Trước đó, ngày 12/6/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2908 về việc phê duyệt có điều kiện vắc xin Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, vắc xin Comirnaty được phê duyệt để sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Ngày 22/8/2021, ngày 10/9/2021 và ngày 20/9/2021, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan Quản lý Dược châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt việc tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty từ 6 tháng lên 9 tháng kể từ ngày sản xuất ở điều kiện bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C.
Trên cơ sở dữ liệu khoa học đánh giá độ ổn định của vắc xin Comirnaty do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cập nhật và sự phê duyệt của FDA, EMA và WHO, ngày 22/10/2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành Công văn 12926 về việc đồng ý tăng hạn dùng của vắc xin Comirnaty ở điều kiện bảo quản từ -90 độ C đến -60 độ C.
Việc tăng hạn dùng đối với vắc xin Comirnaty được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vắc xin, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
Hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 biến thể Omicron
Nhằm chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm biến thể Omicron và triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, Bộ Y tế, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội rà soát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ ngày 28/11/2021 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT (Nucleic Acid Amplification Test), PCR trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm giải trình tự gen nhằm xác định biến thể Omicron.
Trường hợp ghi nhận người dương tính với biến thể Omicron thì tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm của những người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trước đó, gửi các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm, giải trình tự gen xác định biến thể Omicron. Tăng cường hệ thống giám sát nhằm sớm phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường (số mắc, diễn biến nặng hoặc nhập viện, tử vong tăng bất thường theo thời gian, khu vực địa lý, đối tượng cụ thể…), trên cơ sở đó chủ động, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể/biến chủng mới.
YÊN LAN