* Hàn Quốc phát triển công nghệ giúp phát hiện nhanh biến thể Omicron
Ho khan và ngứa họng là những triệu chứng đầu tiên xuất hiện ở 90% những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Đây là kết quả báo cáo sơ bộ do Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Anh công bố mới đây, trong nỗ lực tìm hiều về biến thể Omicron. Báo cáo cũng nhận định Omicron lây lan nhanh hơn các biến thể trước, nhưng đến nay chưa có nhiều ca nhiễm biến thể này phải nhập viện.
Theo báo cáo, ho là triệu chứng chung nhất, xuất hiện ở 89% những ca nhiễm Omicron. Báo cáo cho biết: “Trong số những ca nhiễm đầu tiên, nhiều ca có vẻ nhẹ hơn so với trường hợp nhiễm các biến thể khác, dù rằng từ khi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, nếu có, thường phải mất một thời gian... Các triệu chứng ở những người đã tiêm vắc xin hoặc đã từng nhiễm COVID-19 được cho là nhẹ hơn so với những người chưa tiêm vắc xin”.
Báo cáo lưu ý rằng các trường hợp được nghiên cứu chưa thật điển hình, nhưng có vẻ như Omicron gây ra các triệu chứng “yếu hơn” các biến thể khác.
Cụ thể, trong số 43 ca nhiễm Omicron được nghiên cứu, có 7% là không triệu chứng hoặc triệu chứng “không rõ.” Có 93% số ca xuất hiện triệu chứng, trong đó các triệu chứng nổi bật nhất là ho (89%), mệt mỏi (65%), nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi (59%).
Các triệu chứng khác cũng xuất hiện là khó thở (16%), tiêu chảy (11%), mất vị giác hoặc khứu giác (8%). Báo cáo cảnh báo dù rằng đa số các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đều có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên việc biến thể có khả năng lây lan nhanh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế.
* Các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) của Hàn Quốc đã phát triển một công nghệ chẩn đoán phân tử có thể phát hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong vòng từ 20-30 phút.
Theo nhóm nghiên cứu do Giáo sư Lee Jung-wook thuộc Khoa Công nghệ hóa chất dẫn đầu, công nghệ chẩn đoán phân tử có thể phân biệt các đột biến tại nucleotide base (đơn vị có chứa nitơ trong nucleotide), do vậy, có thể phát hiện ra biến thể Omicron mà phương pháp xét nghiệm PCR khó phát hiện.
Hiện nay, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đang sử dụng 3 phương pháp xét nghiệm để phát hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2, gồm phân tích bộ gene, phân tích DNA (các đột biến như protein gai) và xét nghiệm PCR.
Phương pháp xét nghiệm PCR hiện nay có thể phát hiện biến thể Delta nhưng không phát hiện được Omicron.
Công nghệ mới phát triển này không phải là phương pháp giải trình tự gene hay DNA, mà là phương pháp chẩn đoán phân tử.
Công nghệ xét nghiệm đang sử dụng hiện nay chỉ "quét" được các vùng cụ thể của virus, trong khi công nghệ chẩn đoán phân tử được phát triển theo cách chỉ tạo ra phản ứng liên quan tới acid nucleic khi có sự tồn tại RNA của virus SARS-CoV-2, nhờ đó phát hiện nhanh biến thể.
Theo giáo sư Lee Jung-wook, trong xét nghiệm PCR, biến thể Omicron có dấu hiệu rõ ràng về gene N, nhưng dấu hiệu yếu về gene S.
Trong trường hợp nhiễm Omicron, cả gene N và gene S đều xác nhận dương tính, khiến cho khó phân biệt với các biến thể khác.
Công nghệ chẩn đoán phân tử hoạt động theo cơ chế khác với xét nghiệm PCR, theo đó phát hiện biến thể Omicron hiệu quả.
Công nghệ xét nghiệm thông thường nhìn chung có thể xử lý 96 mẫu bệnh phẩm/thiết bị xét nghiệm, trong khi công nghệ mới này có thể xử lý tới hơn 125 mẫu bệnh phẩm trong vòng 30 phút.
Ngoài ra, công nghệ mới không cần thiết bị chuyên dụng, do vậy có thể làm các bộ kit xét nghiệm một cách đơn giản và dễ dàng.
Việc sản xuất các bộ kit chẩn đoán dựa trên công nghệ mới này mất 4 ngày, do vậy, có thể ứng phó nhanh chóng cho dù xuất hiện một biến thể mới hay một virus mới trong tương lai. Theo giáo sư Lee Jung-wook, công nghệ mới này có thể được đưa vào ứng dụng trong nửa cuối năm 2022 sau khi trải qua các thử nghiệm lâm sàng.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)