Ngày 4/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến tăng cường công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tới điểm cầu các cơ sở y tế trong cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định tiêm vắc xin đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc xin là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron. Vì thế, WHO khuyến cáo các quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin.
Tại Việt Nam, tính tới sáng 4/12, gần 127 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm, tỉ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 là hơn 70%.
Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch và hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung) cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.
Tại Việt Nam, công tác an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, tim mạch, huyết học, dược...
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ cập nhật, sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; xây dựng Hướng dẫn xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; chỉ đạo xử trí cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo tổ chức đào tạo, tập huấn hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; nghiên cứu, phân tích, đánh giá điều trị các ca bệnh sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức giám sát, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, khi có sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, hội đồng chuyên môn y tế các cấp đã họp, đánh giá, đưa ra những kết luận kịp thời.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhắc lại những sự cố xảy ra gần đây như vụ 4 công nhân ở Thanh Hóa, 3 trẻ em ở Hà Nội, Bắc Giang và Bình Phước tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19, đồng thời lưu ý bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, hội nghị là dịp để các đơn vị y tế củng cố kiến thức, tăng cường năng lực, tổ chức hệ thống cấp cứu, xử trí để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: vắc xin; các biện pháp y tế công cộng - xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.
Trong số các công cụ này, bao phủ vắc xin ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.
Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn. "Vắc xin là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này", tiến sĩ Kidong Park nêu rõ.
Ông Kidong Park cũng bày tỏ ấn tượng với Việt Nam về tiến bộ trong gia tăng tỉ lệ tiêm chủng ở các quần thể dân số phù hợp. Ông nhấn mạnh việc cùng với tăng tốc độ, điều quan trọng là đảm bảo an toàn tiêm chủng.
"Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống quản lý các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đảm bảo chương trình tiêm vắc xin COVID-19 được thực hiện thành công”.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó cục trưởng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vắc xin đầu tiên tới nay, Bộ Y tế và ngành y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vắc xin, cấp cứu, hồi sức, tim mạch…
Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Bên cạnh đó, trong chẩn đoán, điều trị và quản lý, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19…
Chương trình có sự tham gia của chuyên gia WHO văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương, chia sẻ kinh nghiệm của WHO trong việc xử trí sốc phản vệ, ngất do phản xạ thần kinh phế vị cũng như các vấn đề liên quan điều tra chùm ca biến cố bất lợi sau tiêm chủng.
Tại hội nghị, các báo cáo viên trong nước chia sẻ và hướng dẫn về khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng người lớn và trẻ em, hướng dẫn xử trí cấp cứu, chuyển tuyến và điều trị đối với trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Theo TTXVN/Vietnam+