Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca nặng và tử vong, thực hiện bình thường mới một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả.
Số ca nhiễm tăng; ca nặng, nguy kịch, tử vong giảm
Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 vừa họp trực tuyến với 63 tỉnh thành, sau hơn một tháng cả nước thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh (từ ngày 11/10-19/11). Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong hơn một tháng qua, cả nước ghi nhận 105.543 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tăng 2,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, số ca tử vong giảm 46,3%, số ca đang điều trị tại các cơ sở y tế giảm 25,3%, số ca nặng, nguy kịch giảm 40,8%. Bộ Y tế nhận định: Dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch.
Chủ trì cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: Chúng ta chuyển trạng thái thì chấp nhận có ca nhiễm mới nhưng kiểm soát rủi ro, có các biện pháp hiệu quả để giảm tối đa các ca nặng và tử vong, thực hiện bình thường mới một cách an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả.
Tại Phú Yên, theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, từ tối 19 đến tối 20/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 25 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca trong cộng đồng. Hai ngày trước đó, mỗi ngày Phú Yên ghi nhận 31 ca nhiễm mới, trong đó có 4 ca trong cộng đồng. Trong vòng 14 ngày (tính đến ngày 20/11), Phú Yên phát hiện 10 ca nhiễm qua sàng lọc cộng đồng; 77 ca nhiễm là F1, trong khu cách ly, khu phong tỏa; 185 ca nhiễm từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về địa phương. Tuy số ca mắc tăng nhưng Phú Yên không có ca nặng, nguy kịch. Trong số hơn 200 F0 đang cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế có 4 ca viêm phổi nặng, thở oxy qua mặt nạ, còn lại là những ca có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Số ca nhiễm tăng trong thời gian gần đây - nhất là ca nhiễm trong cộng đồng - chính là lời cảnh báo mọi người không được phép chủ quan, lơi lỏng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: YÊN LAN |
Tiêm chủng đầy đủ, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K
Người dân quan tâm và cảm thấy lo ngại khi nhiều trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc COVID-19. Trong 25 ca nhiễm được báo cáo vào tối 20/11 có 11 người được tiêm 2 mũi vắc xin, và cũng từng ấy số người đã tiêm 1 mũi vắc xin. Trong 31 ca nhiễm được báo cáo vào tối 18/11, có 16 người được tiêm 2 mũi vắc xin, 11 người đã tiêm 1 mũi vắc xin… BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, nói: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, nếu có nhiễm thì sẽ không diễn tiến nặng và tử vong. Vắc xin giúp bảo vệ tính mạng cho người được tiêm, còn khả năng nhiễm là vẫn có, dù được tiêm đầy đủ, và vẫn có khả năng lây cho người khác.
Theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sản xuất một loại vắc xin phải mất 4-5 năm, có loại mất đến 10 năm. Riêng vắc xin phòng COVID-19, chưa đến 2 năm, thế giới đã có và người dân ở các quốc gia được tiêm để phòng bệnh. Hiệu quả phòng COVID-19 của các loại vắc xin khác nhau là khác nhau. Có vắc xin, nhà sản xuất báo cáo hiệu quả trên 90%, có vắc xin khoảng 60-70%. Những người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng quan trọng nhất là họ không triệu chứng, không bị trở nặng và không gây quá tải cho hệ thống y tế. Thực tế đã chứng minh điều đó. Khi các địa phương trong cả nước nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, độ bao phủ vắc xin tăng lên thì số ca bệnh phải điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch và số ca tử vong đều giảm rất đáng kể.
Tính đến ngày 19/11, Việt Nam đã tiếp nhận 131,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và đã phân bổ 129,6 triệu liều để các địa phương trong cả nước, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tiến hành nhiều chiến dịch tiêm chủng. 1,6 triệu liều chưa phân bổ là vì vắc xin mới được tiếp nhận đang kiểm định.
Tại Phú Yên, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho gần 585.000 người, chiếm tỉ lệ 86,15% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có gần 299.000 người tiêm đủ 2 mũi, chiếm tỉ lệ 42,71% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Bộ Y tế nhận định: Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, khi thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus. Vì vậy, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, mọi người phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K để phòng bệnh cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
Dù đã tiêm chủng đầy đủ, chúng ta vẫn phải thực hiện khuyến cáo 5K để phòng bệnh, không chỉ cho bản thân mà cho những người xung quanh, cho cộng đồng.
PGS.TS Trần Đắc Phu |
YÊN LAN