Thứ Tư, 25/12/2024 12:41 CH
Kiên trì nguyên tắc phòng, chống dịch, sớm tiêm vắc xin cho trẻ em
Chủ Nhật, 07/11/2021 13:01 CH

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Trong tuần qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 chủ yếu tập trung vào các chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin cho trẻ em; sẵn sàng các điều kiện để học sinh sớm trở lại trường; ban hành hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch...

 

Khẩn trương triển khai công tác tiêm vắc xin cho trẻ em

 

Đến sáng 7/11, dữ liệu tại Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy cả nước đã tiêm 88,5 triệu liều vắc xin COVID-19, trong đó hơn 28 triệu người tiêm đủ 2 liều vắc xin.

 

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Việt Nam đã chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc.

 

Hiện đã có một số địa phương tiến hành tiêm là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh... Một số địa phương khác đã lên kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ khi vắc xin được phân bổ.

 

Bộ Y tế đang hướng tới độ vắc xin bao phủ dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 100% trong quý 4/2021 và đầu năm 2022. Riêng về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em (dưới 18 tuổi), dựa trên khả năng cung ứng vắc xin của nhà sản xuất, Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các quốc gia trên thế giới và các loại vắc xin đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi; đảm bảo toàn bộ người dân sẽ được tiêm chủng tiếp cận bình đẳng vắc xin phòng COVID-19.

 

Ngày 5/11, Bộ Y tế có văn bản số 9439/BYT-DP về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vacine phòng COVID-19, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vacine; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng; lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vacine phòng COVID-19 đảm bảo phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo; bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

 

Trước đó, ngày 12/10, Bộ Y tế đã có văn bản số 8616/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 tháng 10-12/2021; xây dựng kết hoạch năm 2022 để tiêm cho người dân. Trong đó Bộ đề nghị xây dựng kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 3 và 4 cho người đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của các địa phương là cơ sở để Bộ Y tế phân bổ vắc xin trong tháng 10-12/2021 và xây dựng kế hoạch tiêm chủng năm 2022.

 

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3-11 tuổi, 12-15 tuổi, 16-17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vắc xin cho những nhóm tuổi này. Đồng thời, các tỉnh xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).

 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó có nội dung đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đến nay, có 2 loại vắc xin phòng COVID-19 được Việt Nam cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ.

 

Bảo đảm an toàn khi cho học sinh trở lại trường

 

Liên quan đến nội dung cho trẻ em trở lại trường, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/11, các ý kiến cho rằng, không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của học sinh, mà còn của gia đình, phụ huynh học sinh.

 

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vắc xin hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.

 

"Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng. Điều đó không có nghĩa tuyệt đối không có học sinh mắc COVID-19. Do đó, ngành Giáo dục phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học," Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

 

Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, khẩn trương có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức cho học sinh các cấp đi học tập trung trở lại, trong đó lưu ý việc chỉ đạo bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục (bao gồm cập nhật trên cổng thông tin của Bộ), đồng thời phải tính đến tâm sinh lý của các cháu học sinh, sinh viên, của gia đình, lực lượng lao động liên quan khi dịch bệnh có thể kéo dài.

 

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, chiều 6/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã xin ý kiến của Bộ Y tế và các ban ngành bằng văn bản, đồng thời đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc phân loại đánh giá cấp độ dịch theo từng địa bàn để quyết định dạy - học trực tiếp theo nguyên tắc địa phương nào kiểm soát được dịch sẽ cho học sinh trở lại học tập.

 

Căn cứ vào đó, với địa bàn xác định dịch ở cấp độ 1, 2, tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai hướng dẫn này tùy thuộc vào đặc điểm của từng địa phương, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đến nay, cả nước có 21 tỉnh, thành phố tổ chức cho học sinh học trực tiếp; 18 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, còn 24 địa phương học trực tuyến và qua truyền hình.

 

Các địa phương có số lượng học sinh lớn và đặc thù như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có phương án cho học sinh trở lại học tập.

 

Ngày 31/10, Hà Nội ban hành quyết định cho học sinh trở lại học của 18 huyện, thị xã có cấp độ dịch 1 và 2, nhưng đến ngày 6/11 Hà Nội đã có văn bản mới tạm dừng việc đó và chỉ cho riêng học sinh huyện Ba Vì đi học trở lại, đây là trách nhiệm thuộc về địa phương tự quyết định.

 

Trước đó, chiều 1/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trao đổi một số nội dung liên quan đến việc tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường khi trường học mở cửa trở lại.

 

Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp; tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng, chống dịch COVID-19.

 

Hai bên cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP. Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với việc mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh.

 

Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế thống nhất về việc sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào đầu tháng tới để tất cả các Sở Y tế và Sở GD-ĐT các địa phương cũng như các quận, huyện triển khai, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy và học trực tiếp, đồng thời, thống nhất sớm ban hành và rà soát bổ sung hướng dẫn sổ y tế phòng, chống COVID-19 trong trường học, tổ chức tập huấn hệ thống trường học toàn quốc, kỹ năng dự phòng và quản lý chăm sóc và phòng chống dịch cho đội ngũ giáo viên và cán bộ y tế trường học.

 

Thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn

 

Tại công văn 8044/VPCP-KGVX ngày 2/11/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đồng ý chủ trương về lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam như đề xuất của Bộ VH-TT-DL.


Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, chủ động, triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

 

Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã ký ban hành văn bản số 4122/HD-BVHTTDL về việc Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11/2021.

 

Trong đó, giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021) sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh (danh mục khu vực và các cơ sở cung ứng dịch vụ được đón khách du lịch quốc tế do các địa phương lựa chọn và công bố công khai).

 

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2022), nước ta mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 05 địa phương ở giai đoạn 1 (có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế) sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.

 

Giai đoạn 3, nước ta mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

 

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam cư trú tại nước ngoài đến từ các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng của Việt Nam, đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và các điều kiện về y tế.

 

Khách du lịch lựa chọn và đăng ký tham gia chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cung cấp dịch vụ trong giai đoạn thí điểm (chương trình du lịch quy định rõ về thông tin chuyến bay, cơ sở lưu trú, các dịch vụ tham quan, giải trí và thời gian của chương trình).

 

Doanh nghiệp lữ hành thông báo cho khách du lịch về các thủ tục cần thiết khi đăng ký tham gia chương trình du lịch. Chương trình du lịch được thiết kế trong khu vực và các cơ sở dịch vụ được địa phương cho phép, với thời gian tối đa là 90 ngày.

 

Sau khi hoàn thành chương trình du lịch (tối thiểu 7 ngày), nếu có nhu cầu ở lại Việt Nam để thăm thân phải đăng ký trước với doanh nghiệp lữ hành để hỗ trợ thủ tục bàn giao khách về địa phương nơi thăm thân và thực hiện việc giám sát y tế theo quy định hiện hành.

 

Hướng dẫn tạm thời của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nêu rõ các thủ tục, quy trình liên quan đến xét duyệt nhân sự, cấp thị thực, việc chuẩn bị trước chuyến bay, thực hiện quy trình nhập xuất cảnh; trách nhiệm của các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác, doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình thí điểm. Hướng dẫn này sẽ được cập nhật, điều chỉnh theo các chính sách, quy định về thủ tục nhập, xuất cảnh, về phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định khác của các Bộ, ngành theo thực tế triển khai qua các giai đoạn cụ thể.

 

Xác định nguyên nhân sai sót trong sự cố tiêm nhầm vắc xin

 

Nội dung được dư luận quan tâm trong tuần qua là về sự cố y khoa trong tiêm chủng vắc xin cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

 

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 3/11/2021, Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, tổ chức tiêm chủng cho các cháu từ 1 đến 6 tháng tuổi trên địa bàn. Tuy nhiên, trong quá trình tiêm chủng đã xảy ra sự cố cán bộ y tế tiêm nhầm vắc xin Comirnaty ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNtech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

 

Ngay sau khi nhận được thông tin, thành phố đã chỉ đạo khẩn trương chuyển các cháu đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - cơ sở chuyên khoa đầu ngành về nhi của thành phố để được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt nhất. Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo Bộ Y tế và tham vấn ý kiến chuyên môn của các giáo sư hàng đầu trong nước, các chuyên gia y tế của tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF.

 

UBND huyện Quốc Oai đã có chỉ đạo, yêu cầu Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế xã Yên Sơn đình chỉ dây chuyền tiêm gồm 4 cán bộ y tế và đình chỉ công tác đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm để xem xét trách nhiệm và rà soát lại các quy trình tiêm chủng vắc xin cho trẻ em.

 

Tối 4/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới Bệnh viện Xanh Pôn thăm các cháu và chỉ đạo các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực tiếp tục hỗ trợ tối đa Hà Nội để chăm sóc và điều trị các cháu.

 

Bộ trưởng chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội rà soát công tác tiêm chủng, thực hiện việc bảo quản, lưu giữ, vận chuyển và sử dụng vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng đúng theo quy định của Bộ Y tế, tăng cường giám sát để không xảy ra các sự cố tương tự; đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên y tế liên quan tới sự cố tiêm chủng nêu trên.

 

Ngày 5/11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn hỏa tốc số 1403/KCB-NV gửi Sở Y tế Hà Nội. Cụ thể, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Xanh Pôn tập trung theo dõi sức khỏe các trẻ em này; tổ chức xác minh sự việc nêu trên, kiểm tra xác định nguyên nhân dẫn tới sai sót và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý theo quy định; đồng thời gửi báo cáo nhanh về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo bộ. Trong quá trình theo dõi, chăm sóc các trẻ nếu có khó khăn, đề nghị báo cáo khẩn về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh để được hỗ trợ.

 

Cũng liên quan đến việc này, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển, các chuyên gia của Bệnh viện tới Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) thăm khám và thực hiện các biện pháp điều trị cần thiết để bảo đảm an toàn cho các cháu.

 

Đến sáng 5/11, sau 48 giờ tiêm, hầu hết các cháu đều tỉnh táo, ăn, bú tốt, một số cháu có biểu hiện sốt, quấy khóc, kém ăn đã đỡ. Các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe, chăm sóc kịp thời cho các cháu, hỗ trợ tư vấn cho các bậc phụ huynh.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek