Thứ Ba, 05/11/2024 13:40 CH
Dịch COVID-19: WHO khuyến nghị về mũi vắc xin tăng cường
Thứ Ba, 12/10/2021 11:24 SA

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/TTXVN

Ngày 11/10, nhóm tư vấn vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị nên tiêm liều vắc xin tăng cường (mũi thứ 3) phòng COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch, áp dụng với các tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 đã được tổ chức này phê duyệt. 

 

Theo hãng tin AFP của Pháp, trong thông báo mới nhất này, các chuyên gia WHO nêu rõ những người bị suy giảm miễn dịch ở thể trung bình và nghiêm trọng nên được tiêm liều vắc xin tăng cường vì cơ thể những người này ít có khả năng sinh kháng thể đầy đủ nếu họ chỉ được tiêm chủng vắc xin theo tiêu chuẩn cơ bản (2 mũi) và họ có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 thể nặng. Đây là khuyến cáo mới nhất của các thành viên Nhóm Chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO.

 

Trước đó, ngày 4/10 vừa qua, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vắc xin phòng COVID-19 của hãng  Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng liều tăng cường vắc xin của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.

 

Trong tuyên bố của mình, EMA nêu rõ có thể xem xét tiêm mũi thứ ba này cho người trên 18 tuổi và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Với những người bị suy giảm miễn dịch, EMA khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 3 của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech ít nhất 28 ngày sau mũi thứ hai. Tuy nhiên, cơ quan trên cũng khẳng định quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm tăng cường phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra.

 

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đang xem xét cấp phép lưu hành thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve để điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc COVID-19 ở người trên 12 tuổi. Trong thông báo ngày 11/10, EMA nêu rõ quy trình đánh giá sẽ tập trung phân tích những rủi ro và lợi ích của thuốc Ronapreve.

 

EMA sẽ đánh giá dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của liệu pháp này trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện ở các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ngoại trú cũng như kết quả một nghiên cứu khác về hiệu quả phòng ngừa đối với người lớn và trẻ em trong các gia đình có người mắc bệnh. Sau khi xem xét, cơ quan này sẽ đưa ra kết luận trong vòng hai tháng tới.

 

Hiện EMA mới chỉ cấp phép cho thuốc kháng virus Remdesivir của Gilead trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Ronapreve được công ty công nghệ sinh học Regeneron và tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche hợp tác phát triển cũng như tiếp thị.

 

Liệu pháp Ronapreve đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phê duyệt điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế từ cuối tháng Bảy, sau đó mở rộng thêm đối tượng điều trị tại nhà từ giữa tháng 9.

 

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn thuốc Ronapreve để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ tới trung bình. Hiện Ronapreve đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở hơn 20 quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ.

 

Trong diễn biến có liên quan, theo đuổi ý tưởng đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số trên toàn thế giới chống lại COVID-19 trước tháng 9/2022, vào ngày 11/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất sửa đổi ngân sách năm 2021 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tăng thêm 450 triệu euro (hơn 519 triệu USD) của EU “để góp phần đẩy nhanh quá trình tiêm chủng toàn cầu”.

 

Nguồn ngân sách này sẽ giúp đạt được 1,3 tỉ euro cần thiết để đảm bảo 200 triệu liều bổ sung cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thông qua Sáng kiến Tiếp cận Toàn cầu vắc xin COVID-19 (COVAX).

 

Đề xuất sửa đổi ngân sách lần này cũng bao gồm khoản bổ sung 57,8 triệu euro để tăng cường cho Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU nhằm trang trải chi phí ứng phó với các tình huống khẩn cấp và thảm họa mùa hè, chẳng hạn như các chuyến bay hồi hương từ Afghanistan hoặc cháy rừng ở châu Âu.

 

Mới đây, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định: "Tình hình hiện nay vẫn khá khó lường bởi chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus." Ông cảnh báo "cuộc chiến với COVID-19 chưa kết thúc".

 

Trong diễn biến khác, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Moscow mang tên Gnaihevsky trực thuộc Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người - Rospotrebnadzor, bà Tatyana Ruzhentsova ngày 11/10 nhận định số ca mắc mới ở mức cao cho thấy tại Liên bang Nga đang diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ tư.

 

Phát biểu với báo chí, chuyên gia Nga nhận định: “Nếu chúng ta nhìn vào đồ thị các ca nhiễm mới sẽ thấy con số này ở mức cao và chúng ta đã có thể nói về làn sóng thứ tư”. Theo bà Ruzhentsova, chỉ có tiêm chủng mới có thể bảo vệ trước sự lây lan của virus.

 

Bà nói: “Tiêm chủng cho tất cả những người chưa kịp làm điều này, những người đã nhiễm virus corona và khỏi bệnh cần tiêm chủng 6 tháng sau khi bị bệnh, hạn chế tiếp xúc tối đa. Cũng cần tuân thủ các khuyến cáo về vệ sinh dịch tễ như đeo và thay khẩu trang đúng giờ, rửa tay, mặt sau khi tiếp xúc, nên rửa mũi, súc miệng”.

 

Bà Ruzhentsova nói thêm chủng virus corona đang phổ biến ở Liên bang Nga là chủng Delta nên cần “bảo vệ nhiều hơn”. Theo bà Ruzhentsova, hiện đã xác định được 35 phân nhánh của chủng Delta và những phân nhánh này đòi hỏi các mức độ bảo vệ khác nhau.

 

Theo số liệu của Ủy ban phòng chống COVID-19 của Nga công bố ngày 11/10, trong vòng 24 giờ, Liên bang Nga đã ghi nhận 29.409 trường hợp nhiễm COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Ngày ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất kể từ đầu dịch là ngày 24/12/2020 với 29.935 trường hợp dương tính được ghi nhận.

 

Trong khi đó, từ ngày 1/11 tới, Thái Lan sẽ mở cửa hoàn toàn trở lại du khách đã tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID19 đến nước bằng đường hàng không từ các quốc gia được coi là có nguy cơ thấp. Phát biểu trên truyền hình tối 11/10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha cho biết có 10 quốc gia được nước này đánh giá là nguy cơ bùng phát dịch bệnh COVID-19 thấp, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore.

 

Ông nhấn mạnh khi nhập cảnh Thái Lan, du khách từ các nước nói trên sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tiến hành xét nghiệm tại điểm đến thêm một lần nữa. Sau đó, du khách nước ngoài đó có thể tự do đi lại như người dân trong nước.

 

Tại Hàn Quốc, một số chợ truyền thống ở thủ đô Seoul - điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước - thời gian gần đây đang trở thành "điểm nóng" lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai kế hoạch "sống chung với COVID-19" bất chấp làn sóng lây nhiễm thứ 4 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

 

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 12/10 cho biết 4 khu chợ truyền thống nổi tiếng ở khu vực thủ đô Seoul đều có liên quan đến các đợt bùng phát dịch bệnh lớn kể từ tháng 7 vừa qua, thời điểm bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 ở nước này.

 

Trong 4 chợ trên, số lượng ca mắc COVID-19 lớn nhất được ghi nhận tại chợ truyền thống Garak ở quận Songpa (phía Nam Seoul) là 840 người kể từ khi phát hiện một tiểu thương ở đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên vào ngày 31/8 vừa qua. Theo điều tra dịch tễ ban đầu, hầu hết các trường hợp trên đều bị lây truyền giữa các tiểu thương, du khách, thành viên gia đình và người quen của họ.

 

KCDA nhận định số ca mắc COVID-19 liên quan đến các chợ truyền thống có thể còn tiếp tục tăng cao sau khi các cuộc điều tra dịch tễ kết thúc. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan y tế Hàn Quốc đưa ra là chính từ công tác phòng dịch, trong đó bao gồm cả việc quản lý kém nhật ký ra vào của du khách, đã khiến số ca nhiễm tăng cao.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek