Nhằm đảm bảo nhân lực làm việc khi dịch bệnh xảy ra phù hợp với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ Y tế yêu cầu xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ làm việc tại các khoa, trung tâm hồi sức tích cực.
Không thể thờ ơ khi thiếu nhân lực ở những chuyên ngành liên quan trực tiếp đến sinh - tử của bệnh nhân như Hồi sức tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đe dọa, và bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm thì ngày càng “trẻ hóa”, số lượng cũng chỉ có tăng chứ không hề giảm. |
Thiếu nhân lực y tế - đó là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng rõ ràng là không thể thờ ơ khi thiếu nhân lực ở những chuyên ngành liên quan trực tiếp đến sinh - tử của bệnh nhân như Hồi sức tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đe dọa, và bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm thì ngày càng “trẻ hóa”, số lượng cũng chỉ có tăng chứ không hề giảm.
Như nhiều tỉnh thành trong cả nước, Phú Yên rất thiếu bác sĩ chuyên ngành Hồi sức tích cực. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Phú Yên được sự chi viện của các đoàn công tác đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau một thời gian hỗ trợ, các đoàn công tác đã rút về, ở tuyến đầu này lại thiếu hụt trầm trọng. BS CKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Ngành Y tế Phú Yên đã chủ động tập huấn thêm cho lực lượng kế thừa. Chúng tôi cũng đã cử các bác sĩ chuyên về Nội khoa đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh để học về sử dụng máy thở, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 diễn tiến nặng - nguy kịch, đã cử các ê kíp điều dưỡng từ các khoa phòng khác đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để học, nhằm bổ sung nguồn lực cho khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong những ngày căng thẳng do dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân các bệnh khác nhập viện giảm hẳn. Điều đó không có nghĩa người dân khỏe hơn trước, mà là do tâm lý e ngại đến bệnh viện, sợ bị lây nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng, thậm chí nguy kịch, người nhà mới vội vàng đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Các thầy thuốc phải chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là một trong những “mặt trận nóng” của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Đây là nơi tiếp nhận, điều trị các ca bệnh nặng - nguy kịch do tai biến mạch máu não, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, suy tim… Bên cạnh đó, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc còn phụ trách đơn nguyên Tim mạch can thiệp và đơn nguyên Thận nhân tạo - nơi có 245 bệnh nhân chạy thận định kỳ, ngày nào cũng chạy thận từ 4 giờ sáng đến 9 giờ đêm mới kết thúc.
Số lượng bệnh nhân nặng - nguy kịch điều trị tại khoa này thường xuyên cao hơn chỉ tiêu 20 giường bệnh. Trong những ngày vô cùng căng thẳng do dịch COVID-19, lượng bệnh nhân điều trị tại khoa cũng gần chạm đến con số 20, nhưng nhân lực - vốn đã “mỏng” càng trở nên “siêu mỏng”. Lực lượng chính được điều đến khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 (khu dương tính) của Bệnh viện Đa khoa Phú Yên là từ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, với 3 bác sĩ, 5 điều dưỡng. Tại khoa chỉ còn BS CKII Châu Khắc Toàn, Phó trưởng khoa và BS CKII Lê Hòa luân phiên trực. Mấy ngày sau, bác sĩ Lê Hòa phải cách ly, một mình bác sĩ Châu Khắc Toàn “bám trụ” cả tuần cho đến khi bác sĩ Lê Chí Tĩnh (đang học chuyên khoa I) chia sẻ công việc. Nhưng rồi bác sĩ Tĩnh cũng phải cách ly. Trong những ngày gian nan, khoa có nhiều nhất là… 2 bác sĩ, ít nhất là 1 bác sĩ! Điều dưỡng thì giảm một phần ba. Thời điểm đó, bác sĩ Châu Khắc Toàn chia sẻ qua điện thoại: “Khó khăn thì anh em gồng gánh, động viên nhau làm việc. Ban Giám đốc bệnh viện đã tạo mọi điều kiện cho anh em ở lại tại khoa và làm việc”.
Không chỉ chia sẻ lực lượng đến khu dương tính, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc còn hỗ trợ khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nghi mắc COVID-19 (khu âm tính) khi có những trường hợp có bệnh nền nặng. Đến lúc khoa bị phong tỏa, bệnh nhân thuộc khoa này phải đưa sang Khoa Gây mê Hồi sức, bác sĩ Lê Hòa sang bên đó điều trị các ca nặng cần hồi sức tích cực. Sau đó, bác sĩ Lê Hòa được giao nhiệm vụ điều hành khu dương tính.
Thời điểm này, khi không còn bệnh nhân COVID-19 nặng - nguy kịch, cũng không còn ca viêm phổi nặng do SARS-CoV-2, các bác sĩ làm việc tại khu dương tính lần lượt trở về khoa. Tuy nhiên, con số 8 bác sĩ, bao gồm 2 bác sĩ còn trong thời gian tập sự (thực tế làm việc, tham gia trực là 6 bác sĩ) vẫn rất “mỏng” so với công việc nặng nề, đầy áp lực, căng thẳng tại Khoa Hồi sức - Tích cực chống độc.
Mới đây, Bộ Y tế có công văn gửi các bệnh viện trực thuộc bộ và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xây dựng kế hoạch đào tạo, luân chuyển cán bộ làm việc tại các khoa, trung tâm hồi sức tích cực. Bộ Y tế đề nghị các sở y tế chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc trên địa bàn tập hợp, thống kê, báo cáo số lượng bác sĩ, điều dưỡng đã có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo liên tục và nhu cầu đào tạo chuyên ngành Hồi sức tích cực trong thời gian tới; xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên ngành Hồi sức tích cực cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở đào tạo đã được cấp mã số đào tạo để cấp chứng chỉ cho học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị luân phiên đưa bác sĩ, điều dưỡng đến làm việc tại các khoa/trung tâm hồi sức tích cực từ 3-6 tháng để có kinh nghiệm khám, chữa bệnh thực tiễn chuyên ngành Hồi sức tích cực.
Tất cả là nhằm đảm bảo nhân lực làm việc khi dịch bệnh xảy ra phù hợp với chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
YÊN LAN