Qua kết quả nghiên cứu và thử nghiệm, một số vắc xin COVID-19 đã đươc các quốc gia phê duyệt sử dụng khẩn cấp cho nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, hiện rất ít vắc xin được thử nghiệm hoặc nghiên cứu cho trẻ sơ sinh hoặc dưới 5 tuổi.
Vắc xin Pfizer
Vào tháng 5/2021, Mỹ và Canada là 2 nước đầu tiên phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Sau đó, việc triển khai đã được thực hiện ngay lập tức trên khắp lãnh thổ của Mỹ với 2 mũi tiêm cách nhau 3 tuần. Đến cuối tháng 7, 42% thanh thiếu niên từ 12 -17 tuổi đã được tiêm mũi đầu tiên và 32% được tiêm mũi thứ 2. Nỗ lực tiêm phòng cho trẻ em diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải gồng mình đối phó với số ca mắc gia tăng do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta.
Sau khi Cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt việc sử dụng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 12 - 15 tuổi, các nước EU như Đan Mạch, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Điển đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em nhóm tuổi từ 12 – 17 với tốc độ khác nhau.
Vắc xin Pfizer (tên gọi khác Comirnaty) cũng là loại duy nhất Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi, nếu nguồn cung cấp đủ và trẻ dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu từ hãng Pfizer cho thấy, trẻ em trong độ tuổi 12-15, vắc xin Pfizer có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa COVID-19; trẻ em dưới 16 tuổi hiệu quả là 91%. Nghiên cứu ban đầu cũng chứng minh vắc xin này có hiệu quả 96% trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng do biến chủng Delta.
Hiện hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đang thử nghiệm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi. Dữ liệu thử nghiệm của nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi sẽ được công bố vào tháng 9 này và dữ liệu với nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi dự kiến được công bố vào cuối năm nay. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi có thể được cung cấp sớm hơn sau khi các cơ quan liên quan xem xét và đánh giá dữ liệu thử nghiệm lâm sàng.
Vắc xin Moderna (Mỹ)
Từ tháng 3/2021, hãng dược phẩm Moderna đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 Spikevax trên trẻ em. Hãng dược Moderna cho biết, vắc xin Spikevax có hiệu quả mạnh mẽ ở trẻ 12-17 tuổi. Nhà sản xuất đã gửi đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để cấp phép sử dụng vắc xin này cho thanh, thiếu niên.
Trong công bố nghiên cứu thử nghiệm trên 3.732 trẻ em độ tuổi từ 12-17 tuổi, trong đó, 2/3 trẻ được nhận đủ hai liều vắc xin Spikevax, số còn lại tiêm giả dược. Các tình nguyện viên sẽ được theo dõi thêm một năm kể từ khi hoàn thành 2 mũi tiêm Moderna.
Kết quả cho thấy không trường hợp nào mắc COVID-19 có triệu chứng sau khi tiêm đủ 2 liều vắc xin. Điều này tương đương hiệu quả 100%, bằng con số mà Pfizer đã báo cáo trong thử nghiệm trên trẻ 12-15 tuổi. Ngoài ra, hãng dược cũng cho biết một liều vắc xin Moderna có hiệu quả 93% trong việc chống lại COVID-19 có triệu chứng.
Hiện FDA chưa cấp phép tiêm vắc xin Moderna cho thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, vào tháng 7, EMA đã phê duyệt sử dụng thuốc này cho trẻ dưới 18 tuổi. Ngày 17/8, cơ quan quản lý dược phẩm Anh cũng cấp phép sử dụng vắc xin của Moderna cho trẻ em 12-17 tuổi.
Vắc xin Sinovac (Trung Quốc)
Tháng 6/2021, Trung Quốc bắt đầu tiêm vắc xin CoronaVac của Sinovac cho trẻ em từ 3-17 tuổi. Vào cuối năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm chủng 80% dân số.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, hai liều CoronaVac an toàn, hiệu quả ở trẻ em, thanh thiếu niên từ 3 - 17 tuổi. Hai liều tiêm cách nhau 28 ngày, tạo ra phản ứng kháng thể mạnh mẽ.
Số tình nguyện viên được tiêm vắc xin là 500 trẻ em, thanh thiếu niên khỏe mạnh. 96% trong số đó phát triển kháng thể chống lại nCoV. Phần lớn tác dụng phụ nhẹ hoặc trung bình, phổ biến nhất là đau tại chỗ tiêm.
Tại Chile, vắc xin của Sinovac đã được chấp thuận tiêm cho trẻ em từ 6 tuổi, trong khi công ty này gần đây đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để đánh giá vắc xin của mình trên trẻ em ở Nam Phi từ 6 tháng đến 17 tuổi.
Vắc xin Sputnik V (Nga)
Ngày 12/6, ông Alexander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh vật Gamaleya (nơi phát triển vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V) cho biết, hãng đang thử nghiệm một mẫu vắc xin COVID-19 dạng xịt mũi cho trẻ em từ 8-12 tuổi và sản phẩm này có thể bắt đầu được sử dụng rộng khắp từ tháng 9/2021. "Thay vì kim tiêm, một vòi phun được đưa vào (mũi)", ông Gintsburg nói.
Quá trình thử nghiệm với trẻ em từ 8-12 tuổi cho thấy không có tác dụng phụ đáng kể nào được ghi nhận. Các em thậm chí không sốt sau khi xịt vắc xin.
Các chuyên gia cho rằng mẫu vắc xin dạng xịt có thể là một phiên bản được điều chỉnh liều lượng khác của vắc xin Sputnik V, vốn thường được tiêm thành 2 mũi cách nhau 21 ngày.
Vắc xin Soberana 2 (Cuba)
Ngày 6/9, Cuba đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà cho trẻ em từ 2-11 tuổi, sử dụng vắc xin Soberana 02 do nước này tự sản xuất.
Quyết định này được đưa ra sau khi Trung tâm Kiểm soát nhà nước về thuốc, thiết bị và dụng cụ y tế (CECMED) hoàn tất quá trình thẩm định chất lượng, độ an toàn cũng như khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Soberana 02 và cho phép sử dụng khẩn cấp loại vắc xin này đối với trẻ em và thanh thiếu niên.
Trước đó, Viện vắc xin Finlay (IFV) đã tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên 350 trẻ em và trẻ vị thành niên đủ điều kiện tiêm 2 liều vắc xin trong vòng 28 ngày và một mũi bổ sung vắc xin Soberana Plus vào ngày thứ 56 của quá trình thử nghiệm. Dựa trên kết quả nghiên cứu, IFV khẳng định, vắc xin Soberana đạt hiệu quả 91,2% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nhiễm bệnh ở trẻ em.
Vắc xin ZyCoV-D (Ấn Độ)
Ngày 20/8, Tổng cục Quản lý Dược phẩm Ấn Độ đã phê chuẩn giấy phép sử dụng khẩn cấp với vắc xin ngừa COVID-19 ZyCoV-D do Công ty Zydus Cadila nghiên cứu, sản xuất. Đây là vắc xin COVID-19 thứ hai do doanh nghiệp Ấn Độ tự phát triển.
Thông báo của Cục Công nghệ Sinh học, thuộc bộ Khoa học Công nghệ Ấn Độ cho biết, ZyCoV-D là vắc xin COVID-19 trên nền tảng ADN đầu tiên trên thế giới và do Ấn Độ tự phát triển có thể tiêm cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi. Vắc xin ZyCoV-D gồm 3 liều, khi được đưa vào cơ thể sẽ tạo ra protein đột biến của virus SARS-CoV-2 và tạo ra phản ứng miễn dịch.
Vắc xin này sử dụng công nghệ ADN plasmid, tức là đưa vào cơ thể người plasmid được sửa đổi gen có chứa trình tự ADN của mầm bệnh. Vắc xin được phát triển theo công nghệ này được cho là có thể dễ dàng thích nghi để đối phó với các đột biến ở virus.
Các cố vấn khoa học của chính phủ Ấn Độ cho biết việc tiêm chủng cho trẻ từ 12 - 17 tuổi có bệnh nặng có thể bắt đầu vào tháng 10. Tuy nhiên, chiến dịch này chỉ diễn ra sau khi Ấn Độ hoàn tất chương trình tiêm vắc xin COVID-19 cho người trưởng thành.
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống