Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh từ ngày 15-20/7 cho thấy, hàng ngày số ca nhiễm mới tăng đều hai chữ số. Riêng ngày 18/7, tăng đột biến với 102 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đến sáng 21/7, toàn tỉnh đã có đến 954 ca mắc COVID-19. Mức độ tăng rất nhanh. TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa đã giãn cách xã hội quy mô toàn địa bàn.
Truy vết thần tốc
Cơ chế lây nhiễm của SARS-CoV-2 là lây từ người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh, không khí), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Vậy nên biện pháp chống dịch hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất vẫn là 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế). |
Báo cáo hàng ngày của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, cho thấy ngày nào cũng có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 từ sàng lọc cộng đồng, trường hợp F2 và khu phong tỏa..
Ngày 15/7, ghi nhận 24 ca mắc mới, trong đó có 7 ca phong tỏa (TP Tuy Hòa).
Ngày 16/7, ghi nhận 26 ca mắc mới, trong đó có 1 ca sàng lọc, 8 ca trong khu phong tỏa (TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa, huyện Phú Hòa, Tuy An).
Ngày 17/7, ghi nhận 62 ca mắc mới, trong đó có 8 ca từ sàng lọc, 10 ca từ khu phong tỏa (TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa).
Ngày 18/7, ghi nhận 102 ca mắc mới, trong đó có 18 ca từ khu phong tỏa, 15 ca F2, 3 ca sàng lọc cộng đồng.
Ngày 19/7, ghi nhận 47 ca, trong đó 6 ca trong khu phong tỏa, 8 ca F2, 9 ca sàng lọc từ cộng đồng (TP Tuy Hòa, Phú Hòa), và 1 ca từ Quảng Ngãi về (huyện Đồng Xuân).
Ngày 20/7, ghi nhận 49 ca mắc mới, trong đó có đến 8 ca từ sàng lọc cộng đồng, sàng lọc khi đến bệnh viện khám và 1 ca trong khu phong tỏa (huyện Phú Hòa).
Theo quy định, các trường hợp F0 và F1 nghi ngờ đưa vào bệnh viện dã chiến (F0 nặng chuyển tuyến bệnh viện tỉnh), F1 vào khu cách ly tập trung (trừ trường hợp thí điểm cách ly tại nhà ở TP Tuy Hòa), F2 cách ly tại nhà.
Nếu F0 xuất hiện trong khu cách ly tập trung hoặc bệnh viện dã chiến thì được coi như đã được quản lý. Trong khu phong tỏa xuất hiện trường hợp F0 cho thấy nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng (phong tỏa) chưa được kiểm soát. Nguy hiểm hơn là các trường hợp F2 (đang ở tại nhà), qua khám sàng lọc trong cộng đồng phát hiện dương tính SARS-CoV-2 càng vô cùng khó khăn, mức độ lây lan cộng đồng rất cao, khó truy vết điều tra dịch tễ, vì lịch trình phức tạp, thời gian trong cộng đồng lâu.
Chính vì điều này nên biện pháp chống dịch mang tính tiên quyết, bắt buộc là khoanh vùng, phong tỏa nhằm cách ly F0 để truy vết, không để lọt ra ngoài.
Qua tổng hợp số liệu trên có thể thấy, những ngày chống dịch vừa qua, dù đã nỗ lực hết sức, cũng đã áp dụng những biện pháp hành chính giãn cách xã hội cao nhất những khu vực tâm dịch ở các địa phương, nhưng “bức tường thành phong tỏa” vẫn chưa thể cách ly được F0, còn để lọt ra ngoài, nên phải truy vết triệt để.
Khoanh vùng, phong tỏa phải thật nghiêm
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nguyên tắc khoanh vùng, phong tỏa từ rộng đến hẹp, để cách ly F0. Tuy nhiên, nếu việc khoanh vùng, phong tỏa không thực hiện nghiêm, các quy định không chặt chẽ, vô tình tạo điều kiện cho việc lây nhiễm chéo trong nội bộ khu phong tỏa, trở thành ổ dịch tập trung. Nguy hiểm hơn là để lọt F0 ra ngoài, khiến công tác phòng, chống dịch vào thế rượt đuổi, truy tìm, khả năng mất dấu, sót lọt các F rất cao. Đây là thực tế đã và đang xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh chỉ đạo: Các địa phương sau khi đánh giá được mức độ nguy cơ của dịch bệnh trên địa bàn đã áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng. Việc ban hành một văn bản mệnh lệnh hành chính không khó, nhưng khó và quan trọng là phải thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định. Một số nơi còn tình trạng bên ngoài trông rất chặt chẽ, nghiêm túc, nhưng bên trong phong tỏa, giãn cách lại đi lại thoải mái, thậm chí hàng xóm giao lưu. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về dịch bệnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch.
“Nếu tất cả lực lượng làm công tác phòng, chống dịch và người dân thực hiện nghiêm các quy định về phong tỏa, giãn cách thì làm sao F0 có trong cộng đồng, trong khu phong tỏa, trong thời gian dài? Các địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của mình phải làm chặt chẽ, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Cán bộ công chức, người đứng đầu vi phạm càng phải xử lý công khai, minh bạch”, đồng chí Trần Hữu Thế nhấn mạnh.
TRẦN QUỚI