Ngày 20/7, Bộ Y tế đã có quyết định 3518/QĐ-BYT ban hành tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Văn bản nêu rõ tiêu chí hướng đến mục tiêu chung là góp phần nâng cao công tác an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể nhằm cung cấp công cụ cho các cơ sở tiêm chủng tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, khắc phục các nguy cơ chưa an toàn; cung cấp công cụ cho các cơ quan quản lý lập danh sách, kiểm tra, đánh giá, giám sát các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn và theo dõi tình hình triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng gồm 3 phần: thông tin hành chính, kết quả thực hiện tiêm chủng và 9 tiêu chí đánh giá. Các tiêu chí này đưa ra các yêu cầu cần chuẩn bị trước khi tiêm chủng, trong khi tiêm và theo dõi sau tiêm.
Để công tác đánh giá được triển khai thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của chiến dịch có quy mô lớn và rộng khắp, 9 tiêu chí này chỉ lựa chọn những nội dung mang tính cốt lõi cơ sở tiêm chủng cần thực hiện để bảo đảm công tác an toàn.
Các tiêu chí đánh giá tính sẵn sàng và khả năng đáp ứng cho các cơ sở tiêm chủng theo từng tiểu mục. Mỗi tiểu mục chỉ đánh giá đạt hoặc không đạt.
Trong ca tiêm chủng có ít nhất 1 nhân viên đã được tập huấn về cấp cứu ngừng tuần hoàn
Bộ Y tế lưu ý các tiêu chí có dấu sao (*) và tiểu mục có dấu sao (*) là các tiêu chí, tiểu mục bắt buộc phải đạt. Nếu có một tiểu mục dấu sao không đạt thì cơ sở xếp loại không an toàn, cần khẩn trương khắc phục ngay trước khi thực hiện tiêm.
Đơn cử là các tiêu chí và tiểu mục bắt buộc phải đạt: bàn khám sàng lọc; bàn tiêm; khuyến khích có ít nhất 1 bàn tiêm có rèm che/vách ngăn bảo đảm quyền riêng tư cho người có nhu cầu.
Cơ sở tiêm chủng thoáng mát vào mùa hè, tránh gió lùa vào mùa đông. Chỗ ngồi và ghế ngồi theo dõi sau tiêm ít nhất 30 phút, bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch tại thời điểm tổ chức tiêm chủng.
Có ít nhất 1 giường nằm và 2 cáng theo dõi dành cho người cần cho mỗi 100 lượt người tiêm; phương tiện bảo quản, vận chuyển vắc xin bảo đảm chất lượng (tủ lạnh, kho lạnh…); phương tiện khám sàng lọc: nhiệt kế, huyết áp kế, ống nghe; phương tiện truyền thông: tờ rơi, ápphích; phương tiện thu gom chất thải sau tiêm theo đúng quy định; phương tiện làm sạch, khử khuẩn bề mặt theo đúng quy định.
Các cơ sở có in và đặt tờ hướng dẫn sử dụng vắc xin tóm tắt ngay tại bàn tiêm theo đúng loại vắc xin được cấp trong buổi tiêm nhằm hạn chế nhầm lẫn về liều và cách pha vắc xin; được tập huấn và biết điền đúng và điền đầy đủ thông tin theo quy định về vắc xin, bảo quản, sử dụng thuốc, vật tư, biểu mẫu, giấy tờ theo quy định…
Danh sách toàn bộ người tiêm bảo đảm có thông tin định danh cá nhân (căn cước công dân, bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân…); nhân viên được tập huấn và có hướng dẫn cho người đi tiêm đọc, ký đầy đủ vào các giấy tờ theo quy định; được tập huấn và biết sử dụng các phần mềm tiêm chủng theo quy định...
Áp dụng giải pháp công nghệ thông tin, cung cấp mẫu phiếu điện tử cho người đi tiêm kê khai trước; đăng ký hẹn giờ đi tiêm, cấp số tự động theo các khung giờ...
Toàn bộ người thực hiện tiêm đã được tập huấn về tiêm vắc xin phòng COVID-19 (bao gồm khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm, theo dõi biến cố bất lợi sau tiêm và xử trí cấp cứu). Trong ca tiêm chủng có ít nhất 1 nhân viên đã được tập huấn về phát hiện và xử trí phản vệ. Trong ca tiêm chủng có ít nhất 1 nhân viên đã được tập huấn về cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Toàn bộ nhân viên tham gia tiêm chủng đã xem đoạn phim ngắn (video/clip) về hướng dẫn các bước tiêm chủng: khám sàng lọc, thực hành tiêm chuẩn, xử lý phản vệ sau tiêm...; khuyến khích có ít nhất 1 nhân viên có kinh nghiệm vận chuyển cấp cứu thành công.
Nhân viên tham gia cũng cần có kiến thức và trả lời đúng cách phân loại đối tượng tiêm chủng theo 4 nhóm. Có kiến thức và biết khai thác đúng tiền sử dị ứng, suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính, sử dụng thuốc… và các tiền sử khác. Có kiến thức và thực hành đánh giá đúng toàn trạng người tiêm chủng.
Có kiến thức và thực hành đúng chỉ định tiêm chủng. Được tập huấn và thực hành ghi chép đúng thông tin trong phiếu sàng lọc cho toàn bộ người tiêm chủng. Thực hiện sàng lọc trước tiêm chủng và phân loại, phân cấp tiêm đúng đối tượng; phối hợp với cơ quan phụ trách cơ sở tiêm chủng sàng lọc sơ bộ, phân loại, lập danh sách người tiêm.
Cơ quan phụ trách tiêm chủng cung cấp danh sách đối tượng tiêm chủng phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở tiêm. Cơ sở tiêm chủng thực hiện tiêm đúng đối tượng những người trong danh sách đã được phân công.
Mỗi bàn tiêm có hộp thuốc cấp cứu phản vệ, bảo đảm chất lượng và dự trữ tối thiểu 5 ống adrenalin. Trong hộp thuốc cấp cứu phản vệ luôn có sẵn 1 bơm tiêm có adrenalin 1mg/1ml (trong suốt thời gian tiêm). Có sẵn ít nhất 2 lít (4 chai 500ml) dịch truyền NaCl 0,9% và đầy đủ phương tiện truyền dịch.
Oxy và đầy đủ dụng cụ thở oxy; bóng Ambu; máy theo dõi, máy đo SpO2, sẵn sàng cấp cứu người bệnh; phác đồ xử trí phản vệ có sẵn, treo/dán trên tường ở vị trí dễ thấy hoặc trong hộp xử trí phản vệ; sẵn sàng phương án ứng phó khi có phản vệ; đã diễn tập xử trí phản vệ sau tiêm vắc xin.
Đối với cơ sở tiêm chủng có khoa hồi sức tích cực: phải luôn có nhân viên trực sẵn sàng cấp cứu.
Đối với cơ sở tiêm chủng khác không có khoa hồi sức tích cực: có bệnh viện tuyến trên phụ trách cơ sở tiêm chủng, có xe cấp cứu (đầy đủ phương tiện cấp cứu cơ bản) thường trực tại bệnh viện, sẵn sàng đến cấp cứu người bệnh tại cơ sở tiêm chủng trong thời gian sớm nhất. Đã diễn tập chuyển tuyến khi người tiêm có tình trạng cấp cứu; cung cấp “Phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng” cho mỗi người tiêm một phiếu ngay sau khi tiêm.
Toàn bộ người tiêm chủng ký xác nhận đã đọc đầy đủ “Phiếu hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng” và cam kết thực hiện theo đúng hướng dẫn; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, bệnh viện phụ trách cơ sở tiêm chủng để hỗ trợ cấp cứu để người được tiêm (người nhà) liên hệ khẩn cấp lúc cần thiết.
Theo TTXVN/Vietnam+