Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công văn 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Theo đó, chậm nhất từ 0 giờ ngày 19/7, cùng với TP Hồ Chí Minh và 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, có thêm 16 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trên bản đồ phòng chống dịch COVID-19, toàn bộ 9 tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Cửu Long và 10 tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ đều hiện lên màu đỏ.
Hơn 1 năm qua, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch COVID-19 và đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đợt dịch lần này, tình hình dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đang diễn biến rất phức tạp. Số ca nhiễm tăng rất nhanh và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Trước tình hình đó, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam là quyết định khó khăn nhưng rất cần thiết trong thời điểm này nhằm giảm tốc độ, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước.
Yêu cầu đặt ra là, tất cả cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của Chỉ thị 16. Kiên quyết không để “trên chặt, dưới lỏng”, “ngoài chặt, trong lỏng”. Xác định rõ đầu mối và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và từng cấp chính quyền, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện giãn cách: tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã, thôn với thôn…, nhất là việc bảo đảm giãn cách giữa cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không để xảy ra các trường hợp tụ tập đông người.
Với Phú Yên, tuy chưa đến mức độ áp dụng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ ngày 23/6 đến nay toàn tỉnh ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm SARS-CoV-2 ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP Tuy Hòa là địa phương có số ca dương tính với COVID-19 nhiều nhất - gần 500 ca và địa phương này đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội với các quy định nghiêm ngặt theo cấp độ dịch ở mức “nguy cơ rất cao” quy định tại Quyết định 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19. UBND TP Tuy Hòa yêu cầu tất cả người dân ở trong nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m… Các địa phương khác số ca nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trong khi dịch bệnh đang đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước, địa phương. Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do virus SARS-CoV-2 chủng mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và tỉnh còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo, vậy nên trách nhiệm và nghĩa vụ này càng phải được nâng lên.
Với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của cộng đồng và của chính mình, mọi người dân trong tỉnh cần nêu cao ý thức, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; cùng chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội. Với những nơi còn an toàn, phải quyết tâm rất cao để giữ an toàn, chủ động ngăn chặn từ xa, không để dịch bệnh xâm nhập. Với những gia đình có con em, người thân đang học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam thuộc “vùng đỏ”, hãy động viên, nhắc nhở họ nghiêm túc thực hiện việc giãn cách theo quy định.
Giãn cách xã hội chính là một trong những biện pháp tối ưu để dập dịch. Mọi người chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm quy định 5K.
LẠC VIỆT