PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu vừa đến Phú Yên, làm việc trực tuyến với bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và “chỉ huy” các bệnh viện dã chiến. Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS Nguyễn Lân Hiếu về những vấn đề quan tâm trong công tác phòng, chống dịch.
Sự chia sẻ của những đồng nghiệp
* Thưa Phó giáo sư, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử 2 đoàn công tác vào hỗ trợ Phú Yên, đồng thời kết nối với các tổ chức, đơn vị hỗ trợ ngành Y tế Phú Yên nhiều thiết bị, phương tiện, vật tư y tế cần thiết. Phó giáo sư có thể chia sẻ về sự hỗ trợ này?
- Tôi được Bộ trưởng Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ y tế các tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, vì tôi là ĐBQH tỉnh Bình Định. Sau khi dịch bùng phát, Bình Định đã nhanh chóng khống chế, không để dịch lan rộng; Phú Yên thì dịch lan rộng và có bệnh nhân nặng, tử vong.
Sau khi nghe thông tin, chúng tôi cử đoàn công tác đầu tiên vào Phú Yên gồm các bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, gây mê, chống nhiễm khuẩn và các điều dưỡng vào hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo báo cáo của các anh chị em vào công tác thì tình hình rất khó khăn, đặc biệt là trang thiết bị, phương tiện và con người. Đoàn công tác thứ hai của chúng tôi lập tức lên đường và đã góp phần xoay chuyển cục diện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: ổn định được hệ thống phòng dịch của bệnh viện; tình hình các bệnh nhân nặng bắt đầu có tín hiệu vui…
Về trang thiết bị, vật tư y tế, đấy là rất cần thiết cho các bác sĩ, nếu không có thì không thể điều trị các ca bệnh nặng. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã chung tay hỗ trợ ngành Y tế Phú Yên, ví dụ như Quỹ Sống (Sống Foundation) - quỹ chuyên giúp những người yếu thế, xây dựng nhà chống lũ, trồng rừng, xây dựng trường học… mà tôi là một thành viên ban cố vấn. Sau khi tôi thông báo, quỹ đã mua ngay lập tức 8 máy oxy dòng cao - phương tiện rất cần thiết, toàn tỉnh Phú Yên chưa có - để tặng Sở Y tế. Cá nhân tôi tặng Bệnh viện tỉnh một máy. Máy tôi mang vào đêm 16/7, bắt đầu hoạt động ngay từ sáng 17/7. Còn máy thở thì những người bạn của tôi và của Bí thư Tỉnh ủy tặng; monitoring - máy rất quan trọng dùng để theo dõi bệnh nhân sau khi hồi sức cấp cứu - được tặng bởi Tập đoàn My Way. Và những dụng cụ y tế của trường y, chúng tôi tiết kiệm, mang vào.
Đấy là sự chia sẻ của những đồng nghiệp với nhau trong cơn khó khăn hoạn nạn. Và đặc biệt là những cán bộ chiến sĩ của chúng tôi - tôi dùng từ “chiến sĩ” vì đây không phải là nhiệm vụ của anh em nhưng khi tôi đề nghị thì nhiều cánh tay đã giơ lên và đi vào vùng dịch. Có những bạn rất trẻ, chỉ mới 22-23 tuổi; các điều dưỡng trẻ cũng đã vào. Ngày hôm qua tôi rất xúc động khi ăn bữa cơm với các bạn. Người Bắc không ăn được đồ ăn (nêm) ngọt. Chị Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đã mang đến tặng các bạn một nồi cơm điện để các bạn tự nấu cơm - một kỷ niệm chắc tôi không bao giờ quên được.
Phải có chiến lược mới trong gian đoạn mới
* Sau khi họp trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên và bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh, theo Phó giáo sư, các bệnh viện cần làm những gì để việc điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, mang lại hiệu quả tốt hơn?
- Chúng tôi đã chia sẻ rất kỹ lưỡng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Việc cần thiết nhất là tổ chức lại hoạt động khám chữa bệnh một cách khoa học. Với sự tư vấn của các chuyên gia về chống nhiễm khuẩn, về bệnh truyền nhiễm và về hồi sức cấp cứu, tôi tin chắc là đơn vị điều trị F0 sẽ tổ chức hoạt động tốt hơn, sẽ có hiệu quả rõ rệt trong những ngày tới.
Thứ hai là trang thiết bị. Sở Y tế sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn lực, làm sao để chúng ta có các thiết bị tốt hơn nữa, dự phòng nếu dịch tiếp tục bùng phát. Trang thiết bị thì phải gắn liền với thuốc men, phải cung cấp các thuốc thiết yếu. Chúng tôi đã làm việc với các bệnh viện dã chiến. Việc tổ chức các bệnh viện dã chiến đã khá khoa học, tuân theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thiết bị vẫn còn thiếu - ví dụ như máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu, cần được trang bị thêm - và các loại thuốc cần thiết.
Việc thứ ba tôi nhấn mạnh chính là thay đổi sàng lọc, truy vết, khoanh vùng. Ta phải có chiến lược mới trong gian đoạn mới, làm sao để số ca nhiễm mới trong cộng đồng không tăng lên. Phú Yên đầu vào rất là ít, tuy nhiên sự lây lan rất nhanh, chứng tỏ khâu sàng lọc, cách ly, truy vết của chúng ta còn có nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Cuối cùng vẫn là giải pháp căn cơ lâu dài, đấy là tiêm vắc xin. Tôi rất mong muốn việc tiêm vắc xin sẽ được thực hiện 100% cho những người làm việc tại các đơn vị tuyến đầu, và chúng ta sẽ tiêm mũi thứ hai cho những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trong khu cách ly, khu điều trị và tiêm cho người dân ở các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Vấn đề này, ngoài nguồn lực của Chính phủ rất cần nguồn lực của địa phương, huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân để Phú Yên thoát khỏi đợt bùng phát dịch rất nguy hiểm này.
* Về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế, Phó giáo sư có những lưu ý gì?
- Kiểm soát nhiễm khuẩn là một ngành khoa học. Trong bệnh viện, đây là khoa cần được chú trọng chứ không phải là một khoa phụ. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn rất được chú trọng; lãnh đạo khoa được đào tạo tại Nhật Bản; nhân viên có bằng đại học trở lên gần như trăm phần trăm.
Tôi có một lời khuyên: Lãnh đạo bệnh viện hãy lắng nghe ý kiến của các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn và thực hiện theo. Đừng coi đấy là chuyện nhỏ. Hãy coi đấy là nhiệm vụ quan trọng nhất trong đơn vị hiện nay. Về kiểm soát nhiễm khuẩn, tôi đã đưa hai “vị tướng” của chúng tôi vào “trận địa” này: TS Bùi Vũ Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và một điều dưỡng trưởng, kỹ thuật viên trưởng tại bệnh viện chúng tôi. Hai anh đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Bệnh viện tỉnh đã được các anh trực tiếp tư vấn. Rất mong lãnh đạo các bệnh viện chú trọng hơn nữa đến chuyên khoa chống nhiễm khuẩn.
Hãy “lắng nghe” cơ thể mình
* Thưa Phó giáo sư, người dân đang rất sợ COVID. Nhưng thực tế qua các đợt dịch, trong nhiều trường hợp, không phải COVID-19 gây chết người mà là những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm, như nhồi máu cơ tim cấp. Phó Giáo sư nói gì về điều này?
- Tôi đã chia sẻ rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là trên trang cá nhân facebook về việc bệnh nhân chưa biết COVID nguy hiểm thế nào nhưng tỉ lệ tử vong do các bệnh nền, bệnh cấp tính tăng rất nhanh trong đại dịch.
Nguyên nhân rất dễ hiểu, là người dân sợ đi khám bệnh. Có những trường hợp đến bệnh viện chúng tôi không thể cứu được, vì đã ngừng tuần hoàn ngoại viện. Chính vì vậy, lời khuyên rất đơn giản thôi: Chúng ta hãy “lắng nghe” cơ thể mình, thấy có sự khác thường thì phải tự đặt câu hỏi, tìm lời giải đáp, đừng tặc lưỡi bỏ qua. Hiện nay, ngoài hệ thống khám chữa bệnh thông thường, tất cả các bệnh viện đều triển khai khám chữa bệnh trực tuyến. Chính vì vậy, người dân đừng ngại ngần khi hỏi ý kiến tư vấn của nhà chuyên môn nếu thấy cơ thể mình có sự biến đổi.
Các bệnh viện đang tiếp nhận bệnh nhân cũng đừng sợ người bệnh, đừng coi COVID-19 là một kẻ thù không thể chiến thắng được. Chúng ta đừng sợ và đừng “đẩy” người bệnh ra khỏi bệnh viện chỉ vì nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Một hệ thống được thiết kế chặt chẽ ở Khoa Cấp cứu hồi sức sẽ giúp chúng ta vừa chống được COVID-19 xâm nhập vào bệnh viện, lại vừa không bỏ sót các trường hợp có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
* Xin cảm ơn Phó giáo sư!
Những người mắc các bệnh lý mãn tính, nếu sử dụng thuốc đều đặn và không có gì bất thường thì hạn chế đến bệnh viện, tiếp tục sử dụng thuốc theo đơn. Nhưng nếu nhận thấy bất cứ sự bất thường nào thì đừng ngại, hãy cầm điện thoại lên, tra vào trang web, trang fanpage của các bệnh viện để đặt câu hỏi, sẽ nhận được câu trả lời.
PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu |
YÊN LAN (thực hiện)