Đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới và diễn biến hết sức phức tạp, lây lan nhanh rộng ở nước ta, trong khi nguồn vắc xin khan hiếm cũng như chưa có thuốc đặc trị đang đặt ra những thách thức mới, vô cùng khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Trước tình hình và điều kiện như vậy, bên cạnh những nỗ lực triển khai các biện pháp, phương án phòng, chống dịch của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, đòi hỏi cần phải có sự hợp tác, đồng lòng, chung sức của người dân mới hy vọng chiến thắng đại dịch. Trong đó ý thức người dân có tính quyết định và được thể hiện qua các phương diện sau:
Tuân thủ, chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp, quy định phòng chống dịch của các cơ quan chức năng. Đây là điều đầu tiên người dân cần phải thực hiện nghiêm. Vì các biện pháp, quy định của các cơ quan chức năng nhà nước đề ra đều dựa trên cơ sở khoa học chuyên ngành và thực tiễn tình hình, điều kiện của từng địa phương. Trong điều kiện nguồn lực đất nước và năng lực y tế còn hạn chế, trong thời gian qua, Việt Nam triển khai các biện pháp như khoanh vùng cách ly diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch; khuyến cáo người dân thực hiện 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) đã phát huy hiệu quả tích cực, đạt được kết quả bước đầu, được thế giới đánh giá cao.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, tất nhiên sức khỏe và tính mạng người dân vẫn được đặt lên hàng đầu, nhưng cần phải đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống của người dân, nên chủ trương của Đảng và Chính phủ có điều chỉnh như: Khoanh vùng cách ly hẹp, 5K + vắc xin. Đây được coi là chủ trương đúng đắn và phù hợp với tình hình, điều kiện hiện tại của đất nước. Nhưng hiện nay không đạt được kết quả như những lần trước. Ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó ý thức của người dân là nguyên nhân quyết định đến sự thành công hay thất bại của chủ trương này.
Bên cạnh phần lớn người dân có ý thức chấp hành tốt thì vẫn còn nhiều người dân chủ quan, có phần thiếu ý thức trong việc phòng chống dịch. Qua thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy rất nhiều người dân chưa chấp hành nghiêm các quy định, khuyến cáo của Nhà nước, như trốn khỏi khu cách ly, không chịu đi cách ly tập trung, khai báo y tế thiếu trung thực, chưa thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang... Những hành động này gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống dịch. Ai cũng biết rằng chỉ một người thiếu ý thức thì cả gia đình và xã hội phải gặp khó khăn, vất vả trong công tác phòng chống dịch.
Mỗi người cần tự thay đổi cách sống, thói quen sinh hoạt phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đó là khi ra đường hoặc tiếp xúc với người khác, nơi đông người phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn; hạn chế hoặc bỏ hẳn tình trạng tụ tập; khi cầm nắm, tiếp xúc với vật dụng có khả năng truyền bệnh cần phải khử khuẩn; giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đồ dùng sạch sẽ; ghi lại lịch trình; khi có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau mỏi... phải liên hệ cơ sở y tế để được hướng dẫn, tuyệt đối không tự mua thuốc uống...
Trong tình hình dịch bệnh, mỗi người không chỉ biết lo cho bản thân mình mà cần phải có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Ý thức cộng đồng là không vì lợi ích bản thân mà đẩy khó khăn, nguy hiểm cho người khác, cho Nhà nước và xã hội. Ý thức cộng đồng là cùng chung tay, đồng hành với Nhà nước trong công tác phòng chống dịch như chấp hành nghiêm các quy định, cùng giám sát, hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện, xử lý các trường hợp không tuân thủ công tác phòng chống dịch; chung tay đóng góp Quỹ Phòng chống COVID-19 theo khả năng. Ý thức cộng đồng còn thể hiện ở tình yêu thương, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ những trường hợp yếu thế, thiếu thốn trong cuộc sống do ảnh hưởng dịch bệnh...
Bác Hồ từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lời dạy của Bác càng ý nghĩa sâu sắc trong lúc này, trong cuộc chiến này. Mọi người dân cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, đồng lòng, hợp sức thì chắc chắn khó khăn nào cũng vượt qua, đại dịch nào cũng chiến thắng.
HỒNG THÁI
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)