Ngày 14/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin cho biết, để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên để phù hợp với tinh hình thực tế tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021- 2022.
Các đối tượng đó là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế… cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch.
Các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do; người có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính và các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Tính đến ngày 13/7, Bộ Y tế đã phân bổ 11 đợt vắc xin với tổng số hơn 8,16 triệu liều cho các đơn vị, địa phương theo nguyên tắc nêu trên.
Thời gian tới tùy thuộc vào số lượng, chủng loại từng đợt vắc xin được tiếp nhận, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ theo nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm sử dụng vắc xin an toàn, hiệu quả.
Thực hiện chủ trương, chiến lược vắc xin của Chính phủ, ngay từ năm 2020, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc xin nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước.
Dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021 từ nguồn hỗ trợ của Chương trình Giải pháp tiếp cận vắc xin phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Facility) với 38,9 triệu liều.
Bộ Y tế đàm phán trực tiếp mua vắc xincủa Pfizer/BioNTech là 31 triệu liều; AstraZeneca (AZ) là 30 triệu liều; Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xinSputnik-V của Nga và sẽ hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều cho Bộ Y tế.
Các vắc xin do Chính phủ Nga, Trung quốc, Nhật Bản, Đại sứ quán các nước... hỗ trợ là khoảng 3,5 triệu liều. Do nguồn cung vắc xin khan hiếm trên toàn thế giới, nên 6 tháng đầu năm 2021 Việt Nam mới nhận được 3.865.520 liều. Tháng 7/2021 dự kiến sẽ tiếp nhận 8.867.370 liều.
Toàn bộ số vắc xin tiếp nhận đã được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đang có dịch, các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ, các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dựa trên nguyên tắc này, thời gian vừa qua lực lượng Công An, Quốc phòng và các tỉnh, thành phố có tình hình dịch phức tạp như TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh đã được ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều hơn các tỉnh, thành phố khác.
Các đơn vị, tỉnh, thành phố tiếp nhận vắc xin đã thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021, bao gồm lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài...
Theo TTXVN/Vietnam+