Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 12/7, toàn tỉnh có 603 trường hợp F0 (dương tính với virus SARS-CoV-2); 4.031 trường hợp F1; 4.337 người đang cách ly tại cơ sở tập trung.
“Cách ly tập trung” là cụm từ không còn xa lạ với nhiều người kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan nhanh. Theo đó, những đối tượng phải cách ly tập trung (theo Quyết định 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế), bao gồm: Người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 (theo thông tin của Bộ Y tế); người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế; các đối tượng khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19.
Trước đây, thời gian cách ly là 14 ngày. Tuy nhiên, từ ngày 5/5/2021 thì thời gian cách ly chính thức được kéo dài lên ít nhất 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2.
Trao nhận giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Thời gian qua có một số trường hợp F1 vì sợ cách ly tập trung nên gian dối trong khai báo y tế; cũng có trường hợp lo sợ vì thời gian cách ly tương đối dài, trong khi công việc gia đình nhiều, nhất là lo lắng về con cái không ai chăm sóc và rất nhiều điều khác. Tuy nhiên, chỉ có người cách ly mới biết cảm giác cách ly như thế nào?
Dưới đây là chia sẻ của một F1
“Chỉ ngày mai nữa thôi, D chính thức hoàn thành 21 ngày cách ly tập trung để trở về ngôi nhà thân yêu của mình sau 3 lần xét nghiệm âm tính đúng theo quy định. Lẽ ra thì D chỉ giữ những ký ức này cho riêng mình, thế nhưng hằng ngày lướt trên mạng xã hội vẫn thấy đâu đó đầy rẫy những sự tiêu cực và phóng đại đến mức lệch lạc của một số bạn chưa hiểu đủ về cách ly tập trung.
Sau khi mình alo đến đường dây nóng, báo có đi chợ Màng Màng ngày abcd và có mua thịt heo của một chị vừa công bố dương tính, thì đúng 7 phút sau xe hú hú đã có mặt tại cổng nhà mình và bảo mình có 5-10 phút chuẩn bị để ra xe đi cách ly. Miếng cá đang chiên dở, nồi canh còn chưa nêm và một rừng việc còn hỗn độn trong căn nhà bé nhỏ của mình. Nhưng hỗn độn và lo lắng không phải là tiếc nồi canh hay miếng cá mà không biết một mình cu Ken 12 tuổi của mình sẽ làm như thế nào khi trở thành F2 và ở nhà một mình.
Thôi thì, gom mấy bộ quần áo, nhét vội mấy gói cà phê xanh, bịch cà gai leo…, tắt vội cái bếp, gọi con trai ra đứng trên gác cho mẹ nhìn thắm thiết và bước ra xe. Ông nhỏ nói với theo: “Mẹ đừng lo cho con, mẹ giữ sức khỏe về sớm nha mẹ”. Tự dưng sóng mũi cay cay nhưng phải chạy, vì không nỡ nhìn các bạn đứng đợi dưới cái nắng oi bức trong bộ đồ xanh kín mít đến nghẹt thở ấy.
Một hành trình vòng quanh TP Tuy Hòa để đón nhiều F1 khác, từng người bước lên xe trong âm thầm, không chào hỏi và có lẽ trong ánh mắt mỗi người đều có chút hoang mang.
Cuối cùng cũng đến địa điểm chúng tôi cách ly là Ký túc xá Trường đại học Phú Yên - nơi tràn ngập kỷ niệm của thời sinh viên, của mối tình đầu. Tôi không nghĩ mình về lại nơi đây trong bối cảnh này. Không có thời gian suy nghĩ miên man, theo sự hướng dẫn, chúng tôi được cấp đầy đủ tư trang: chiếu, gối, mùng, mền, sô, thau, ca, nước, bột giặt, kem, bàn chải đánh răng, chén, muỗng, đũa, ly… và về phòng. Mỗi phòng gồm 3-4 thành viên ở chung giữ đúng khoảng cách.
Loay hoay lau chùi, sắp xếp cho cái ổ nhỏ xinh của mình thì bụng đói cồn cào, chưa biết làm sao thì đã có cơm trưa mang đến tận phòng, họ để trước thành hành lang, chỉ việc ra lấy và ăn. Cảm giác đầu tiên: “Ai mà nấu ăn là tui cho điểm 10 chất lượng - quá ngon… kkk chắc do quá đói”.
Đêm đầu tiên, việc mà tôi làm là gọi về nhà để sắp xếp mọi việc ổn thỏa nhất. Và nghe tin, 22 giờ xe đến đón con trai tôi đi cách ly ở một địa điểm khác ở Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung vì là F1 của một ca dương tính gần nhà. Nếu là bạn, bạn sẽ thế nào?
Bắt đầu alo video hướng dẫn con sắp xếp mọi thứ. Nó còn chuyên nghiệp hơn mình khi thứ mang theo ưu tiên số 1 là laptop và cục sạc. Tinh thần đi cách ly của cu Ken 12 tuổi chẳng khác nào các chiến sĩ ra trận, không chút nao núng, không một chút sợ hãi. Đã vậy còn động viên mẹ: “Mẹ có sao không? Con ổn, đừng lo cho con, sẽ về sớm thôi mẹ”. Đêm đầu tiên trôi qua thật dài khi chờ đợi con trai đến nơi cách ly… khi mọi thứ ổn, hai mẹ con chúc nhau ngủ ngon.
Và dù thế nào thì mặt trời ngày mới cũng lên… Tôi đã trải qua 20 ngày như thế, có người lo bữa sáng, trưa, chiều tối, việc của mình là chỉ ăn thôi. Thức ăn thì 20 ngày chưa thấy trùng lặp; có cả sữa chua, sữa đậu nành, sữa tươi, trái cây tráng miệng, chè... Chắc thực đơn đã được lên trước. Mọi nhu yếu phẩm bạn cần đều có đủ: kính chắn giọt bắn, nước muối súc miệng, khẩu trang, nước rửa tay, bột giặt, dầu gội… thậm chí giấy hay băng vệ sinh của phụ nữ đều là loại xịn sò.
Quan trọng nhất, mọi thứ bạn cần bên ngoài tiếp tế đều thật dễ dàng để đưa vào (đúng khung giờ quy định), chỉ cần ghi tên và số điện thoại của bạn vào mảnh giấy bấm vào bịch đồ gửi đến chỗ cổng gác thế là ấm êm.
Mỗi ngày bạn nên dậy sớm, vì có 1.000 vị trí đẹp để bạn có thể nghe chim hót, ve kêu, ngắm hoa phượng, hoa sứ nở rực giữa mùa hè, hít thở và vươn vai với vài động tác thể dục buổi sáng. Để rồi nhâm nhi ly cà phê xanh, ly cà gai leo trong khi ăn sáng khởi động cho một ngày mới tràn năng lượng…
D hy vọng rằng, sau bài đăng này, các bạn sẽ có cái nhìn tích cực và đúng đắn hơn về cách ly tập trung. Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách kịp thời và chính xác, hỗ trợ miễn phí mọi chi phí trong suốt thời gian cách ly. Vậy nên D mong các bạn hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình, thực hiện đúng các chỉ thị đề ra để cùng chung tay bảo vệ gia đình và cộng đồng vượt qua đại dịch này”.
HIẾU VY