Ngày 24/6 là mốc thời gian khó quên đối với Phú Yên sau một năm rưỡi phòng tuyến chống dịch của tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xâm nhập cộng đồng - khi xuất hiện 10 ca nhiễm trên địa bàn, 1 cơ sở y tế tạm ngưng hoạt động; Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân (trừ trường hợp cấp cứu), TP Tuy Hòa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; riêng những khu vực có ca nghi nhiễm áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin về các ca nhiễm, các F1, F2 lập tức tràn ngập mạng xã hội, có nhiều người đặt câu hỏi vì sao Phú Yên để “lọt” ca bệnh vào Khánh Hòa, người dân hoang mang, chính quyền các cấp và ngành Y tế họp khẩn, xuyên đêm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Đêm 23/6, sau khi có thông tin về ca nghi nhiễm, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy ủy quyền Văn phòng Tỉnh ủy có công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh họp khẩn; các địa phương và ngành Y tế lập tức tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm và khử khuẩn, phong tỏa khu vực là nơi ở và ca nghi nhiễm từng đến.
Từ tối 23 đến ngày 24/6, ngành Y tế đã tiến hành lấy mẫu tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các nhân viên còn lại của bệnh viện và toàn bộ nhân viên Phòng khám Đa khoa Đức Tín vì liên quan đến ca nhiễm sau ca bệnh 13.960 (Bệnh nhân N.T.Y thường trú tại quán cơm Yến Nam, thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa; địa chỉ nhà ở 26 Trần Phú, phường 2, TP Tuy Hòa).
Việc lấy mẫu xét nghiệm giúp phát hiện tình trạng lây nhiễm, trong khi theo thống kê từ Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cho thấy khoảng 80% người mắc COVID-19 tại Việt Nam ít có triệu chứng, cơ thể ít biến đổi như sốt không cao, ít mệt mỏi, viêm phổi chưa biểu hiện. Đây cũng là nguyên nhân ca bệnh 13.690 đến các cơ sở khám bệnh vì lý do mệt, chóng mặt, nôn mửa và kết quả xét nghiệm đường máu cao; bệnh nhân lại có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng của COVID-19, nên các cơ sở y tế không phát hiện được.
Bệnh nhân 13.690 và các trường hợp nhiễm có liên quan trước khi phát hiện đã đi đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, dẫn đến tình hình lây nhiễm càng trở nên phức tạp. Do đó, Tuy Hòa thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 và áp dụng Chỉ thị 16 với khu vực liên quan ca nhiễm là cần thiết, và việc thực hiện triệt để cách ly, tăng cường theo dõi, siết chặt quản lý tại khu cách ly càng quan trọng hơn lúc nào hết. Tỉnh và TP Tuy Hòa đã có phương án dự trữ lượng hàng hóa, lương thực đảm bảo cung ứng cho người dân trong mọi tình huống. Người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, có thể phải hy sinh một số quyền lợi cá nhân để bảo vệ cộng đồng; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Y tế thực hiện tốt nhất các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Riêng người dân TP Tuy Hòa cần tuân thủ đúng tinh thần giãn cách xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương huy động tổng hợp các biện pháp để khoanh vùng dập dịch; thần tốc truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; kiểm tra, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực, kể cả chuẩn bị phương án thành lập bệnh viện dã chiến; tăng cường năng lực xét nghiệm để triển khai xét nghiệm trên diện rộng khi cần thiết... Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trước cấp ủy cấp trên về hoạt động phòng, chống dịch ở đơn vị, địa phương mình.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chủ động, khẩn trương và quyết liệt, người dân hơn bao giờ hết cần bình tĩnh và sẵn sàng tham gia cùng chống dịch.
KHÁNH UYÊN