Ngày 15/6, theo thông tin từ Bộ Y tế, Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 6 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca và Pfizer.
Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết vào cuối tháng 6, đầu tháng 7, Việt Nam sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca qua nguồn COVAX. Toàn bộ số vắcxin này sẽ được phân bổ cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 và các địa phương có khu công nghiệp.
Từ nay đến hết quý 3, Việt Nam cũng sẽ nhận thêm 2 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca do Bộ Y tế đặt mua thông qua công ty VNVC.
Theo thông báo của hãng Pfizer, trong quý 3 hãng này có thể chuyển về Việt Nam 3 triệu liều vắcxin phòng COVID-19, số còn lại sẽ tập trung trong quý 4. Tuy nhiên thời gian và số lượng cụ thể vắcxin phòng COVID-19 về Việt Nam có thể thay đổi do hãng cung ứng vắcxin cho cả thế giới.
Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, số vắcxin phòng COVID-19 nhận được của COVAX đã phân bổ đến 63 tỉnh thành phố và một số đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; phân bổ hơn 200.000 liều đến 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm chủng cho công nhân trong các khu công nghiệp. Hiện các địa phương đã và đang tích cực đẩy nhanh công tác tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19.
Giáo sư Đăng Đức Anh phân tích vắcxin COVID-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3-4 tháng để triển khai tiêm.
Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2-8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc Phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vắcxin đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.
Việt Nam hiện đặt mục tiêu có 150 triệu liều vắcxin COVID-19 trong năm nay để bao phủ tối thiểu 70-80% dân số, nhằm đảm bảo hình thành miễn dịch cộng đồng.
Đến nay, đã có 4 lô vắcxin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Trong đó, lô đầu tiên của VNVC gồm 117.600 liều về ngày 24/2, lô thứ 2 của Covax về ngày 1/4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của Covax về ngày 16/5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều của VNVC về tối 25/5.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiêm được 1,55 triệu liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên và công nhân, trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắcxin phòng COVID-19 là 59.608 người. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai, yêu cầu tiêm xong trong tháng 6.
Trong diễn biến khác, cùng ngày 15/6, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi thông báo nước này sẽ cung cấp trực tiếp và miễn phí 1 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 sản xuất trong nước theo giấy phép của hãng AstraZeneca Plc. (Anh) cho Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Tokyo, Bộ trưởng Motegi cho biết Nhật Bản đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ vắcxin từ nhiều quốc gia và khu vực. Theo ông Motegi, Nhật Bản đưa ra quyết định cấp vắcxin ngừa COVID-19 cho Việt Nam dựa trên cơ sở xem xét toàn diện tình hình dịch bệnh ở Việt Nam, sự thiết hụt về vắcxin và quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản.
Bộ trưởng Motegi cho biết lô vắcxin phòng COVID-19 trên sẽ được chuyển từ Nhật Bản tới Việt Nam trong ngày 16/6. Bộ trưởng Motegi cũng thông báo Nhật Bản sẽ cân nhắc cung cấp thêm vắcxin phòng COVID-19 cho Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sau khi xem xét tình hình cung cấp vắcxin cho các quốc gia, khu vực khác, tình hình lây lan của dịch bệnh trên thế giới và trở ngại trong việc cung cấp vắcxin, cũng như các nhân tố khác.
Theo Bộ trưởng Motegi, trong tháng 6 và 7/2021, ngoài Việt Nam, Nhật Bản sẽ xem xét cung cấp vắcxin AstraZeneca sản xuất trong nước cho bốn quốc gia Đông Nam Á khác, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Cũng tại cuộc họp báo, lý giải về việc Nhật Bản cung cấp trực tiếp vắcxin phòng COVID-19 cho Việt Nam, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia khác mà không thông qua cơ chế chia sẻ vắcxin quốc tế COVAX, Bộ trưởng Motegi cho biết nếu Nhật Bản cấp vắcxin cho các quốc gia/vùng lãnh thổ này thông qua COVAX, thủ tục phê duyệt có thể rất mất thời gian, trong khi các quốc gia/vùng lãnh thổ này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vắcxin nghiêm trọng.
BTV (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)