Tình hình COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh. Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 vừa có công điện hỏa tốc và công văn hỏa tốc yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và bệnh viện tuyến cuối; các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.
Thực hiện giãn cách, tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện
Đến nay, nhiều bệnh viện đã phải phong tỏa để chống dịch. Bệnh viện là nơi đón nhận người bệnh mà những người mắc COVID-19 thường ít hoặc không có triệu chứng. Nếu bệnh viện để lọt ca nhiễm COVID-19 sẽ có hậu quả rất nghiêm trọng. Trước tình hình này, Bộ Y tế - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia - yêu cầu giám đốc các bệnh viện trực thuộc bộ, bệnh viện thuộc trường đại học và bệnh viện tuyến cuối nghiêm túc, khẩn trương thực hiện giãn cách trong bệnh viện; rà soát về mặt chuyên môn điều trị, lập danh sách, phân loại tình trạng người bệnh; xem xét cho ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới. Hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu, bệnh ổn định. Bố trí khu vực “vùng đệm” để khám và điều trị cho người bệnh cấp cứu trong khi chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế yêu cầu tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời; bố trí đủ nhân lực, phân chia ca kíp hợp lý, bảo đảm phục vụ người bệnh sau khi giãn cách; thực hiện chăm sóc toàn diện cho người bệnh, đặc biệt bảo đảm đủ nhân lực trong trường hợp bệnh viện bị cách ly, phong tỏa.
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh rằng chúng ta ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Trong bối cảnh hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện.
Tăng cường phòng, chống COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh
Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD), khu công nghiệp (KCN), đối với các tỉnh, thành phố đã ghi nhận ca mắc COVID-19 tại các CSSXKD trong KCN, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục khẩn trương truy vết xác định các trường hợp tiếp xúc gần (F1), tiếp xúc với tiếp xúc gần (F2) thông qua quản lý ca làm việc, camera tại các vị trí công cộng, căng tin, nơi nghỉ ngơi giữa ca làm việc… để cách ly, xét nghiệm kịp thời. Toàn bộ người lao động làm việc cùng phân xưởng với F0 đều coi là F1. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị khẩn trương phát hiện, lập danh sách và thông báo ngay cho các tỉnh, thành phố danh sách những người lao động có liên quan ở các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cách ly, truy vết, khoanh vùng.
Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc các cơ sở lao động trên địa bàn nghiêm túc thực hiện Quyết định 2194 ngày 27/5/2020 của Ban chỉ đạo quốc gia về việc ban hành “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”; xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại KCN trên địa bàn; xây dựng phương án cách ly xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19 trong KCN và tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống dịch COVID-19 tại KCN…; yêu cầu người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị; xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc.
Đẩy mạnh khai báo y tế điện tử
Tại Phú Yên, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh vừa có công văn về việc đẩy mạnh khai báo y tế điện tử phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 bằng mã QR.
Nhằm giúp cho việc truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch bệnh có hiệu quả, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân khai báo y tế điện tử thông qua mã QR, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone.
Ban chỉ đạo tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền quản lý chỉ đạo tất cả các cơ quan, bệnh viện, trường học, công ty, đơn vị, siêu thị, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phương tiện vận chuyển công cộng… đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sử dụng QR Code cho cơ quan, đơn vị mình tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn; kiểm soát việc vào - ra cơ quan, đơn vị hàng ngày đối với khách đến và đi thông qua QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế, NCOVI, Bluezone; cập nhật mức độ an toàn COVID-19 các khu vực lên trang antoancovid.vn.
Các cơ sở cách ly tập trung và các đơn vị quản lý người cách ly tại nhà hướng dẫn người cách ly cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày vào Tờ khai y tế (https://tokhaiyte.vn). Các địa phương có người cách ly y tế tại nhà phải hướng dẫn người dân cập nhật tình trạng sức khỏe hàng ngày vào Tờ khai y tế.
Chiều 11/5, BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, cho biết: Trường hợp tiếp xúc gần (F1) bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng, trú tại phường 8 (TP Tuy Hòa) đã có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính với SARS-CoV-2.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo tỉnh, trong 2 bệnh nhân COVID-19 (được cách ly ngay sau khi nhập cảnh), một người đã bình phục, xuất viện. Đến 17 giờ ngày 11/5, trên địa bàn tỉnh có 2.678 người đang trong thời gian giám sát y tế, gồm 3 người cách ly tại cơ sở y tế (tăng 2 người so với ngày 10/5), 219 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung, 132 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, 2.324 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày.
YÊN LAN