Thứ Hai, 13/01/2025 06:56 SA
Thứ trưởng Bộ Y tế: Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất
Thứ Ba, 11/05/2021 19:24 CH

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: TTXVN

Chiều 11/5, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, tại Việt Nam trong thời gian gần đây dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức nghiêm trọng.

 

Chỉ trong vòng có 2 tuần, nhiều tỉnh đã có dịch, một số bệnh viện đã có người bệnh, người nhà và nhân viên y tế mắc COVID-19, trong đó có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” xuất hiện lần đầu ở Anh, Ấn Độ, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

 

Trên thế giới đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, gây hậu quả cực kỳ to lớn. Tính đến ngày 11/5/2011, thế giới đã có tới 160 triệu ca mắc, trong số đó trên 3,3 triệu người vĩnh viễn ra đi, bao gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nền kinh tế.

 

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta đều đã được chứng kiến thảm cảnh xảy ra ở những nước hùng mạnh nhất trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và bi kịch sóng thần tiếp tục quét qua các nước như Brazil, Ấn Độ. Chứng kiến thảm kịch của Ấn Độ trên truyền hình, không ai trong chúng ta có thể hình dung điều đó lại đến với một nước tiên tiến trên thế giới. Chúng ta lại càng không muốn điều đó xảy đến với một nước Đông Nam Á nào đó, trong có chúng ta”.

 

Để chủ động ứng phó và xử lý dịch bệnh COVID-19 trong tình huống khẩn cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc, để hạn chế tối đa thiệt hại cho nhân dân và ngành y tế, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về chủ động ứng phó và xử lý dịch COVID-19 trong tình huống khẩn cấp.

 

Ban Chỉ đạo Quốc gia đã ban hành Công điện 615/CĐ-BCĐQG về việc nâng mức cảnh báo dịch lên mức cao nhất, Công điện 628/CĐ-BCĐQG về việc giãn cách và xét nghiệm tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến cuối và trường đại học, Công văn số 3775/BYT-KCB về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19. Các văn bản này là hướng dẫn quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

 

Để ngăn chặn điều đó xảy đến, cách tốt nhất chúng ta có thể làm được là thực hiện đúng như những gì Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quỗ gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo, chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tiến công. “Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng những kịch bản xấu nhất để điều xấu nhất không đến với chúng ta”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, Phó Trưởng Tiểu ban an toàn Tiêm chủng, trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 27/4, cả nước đã có 485 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và các bệnh viện, chiếm chiếm 1/6 số ca mắc thời gian qua. Với các chủng mới từ Anh và Ấn Độ, dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh trong giai đoạn này.

 

“Việc xuất hiện dịch ở khu vực bệnh viện tuyến Trung ương điều trị bệnh nhân COVID-19 và bệnh nhân ung thư là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K là nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch lan rộng do các bệnh nhân đến khám bệnh và trở về địa phương”, phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhận định.

 

Đến thời điểm này, cả nước đã có 10 bệnh viện bị cách ly, phong tỏa do có bệnh nhân COVID-19, dịch đã lan ra 31 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, lãnh đạo Bộ Y tế đã nhận định tình hình dịch đang rất phức tạp và hiện đã xác định được 4 nhóm phát sinh dịch. Vì vậy, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất và yêu cầu chủ động xét nghiệm COVID-19 tại các bệnh viện.

 

“Các bệnh viện cần sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào bệnh viện; tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, không để lây lan dịch bệnh, nếu không sẽ rất khó khăn trong công tác phòng, chống dịch,” Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

 

Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa chỉ ra những hạn chế của một số bệnh viện hiện nay là vấn đề thông khí, việc tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch như vệ sinh tay, đeo khẩu trang, giãn cách...

 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trong Khoa, thời điểm này, chỉ cần buông lỏng là nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế thực hiện nghiêm các chỉ đạo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và Bộ Y tế, chọn ít nhất một cơ sở làm địa điểm điều trị bệnh nhân COVID.

 

Việc chọn 1 đơn vị điều trị tập trung sẽ góp phần giảm nguồn lực chăm sóc bệnh nhân, giảm chi phí, tiêu hao trang thiết bị, khẩu trang chuyên dụng, bộ đồ bảo hộ. Các địa phương phải có phương án chủ động đề khi có dịch xảy ra bệnh viện này đi vào hoạt động được luôn. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập huấn, đánh giá thực hành phòng chống lây nhiễm.

 

“Các đồng chí lãnh đạo Sở cần trực tiếp đi kiểm tra các bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao. Đồng thời tập trung triển khai bệnh viện, phòng khám an toàn, kiên quyết đóng cửa các cơ sở y tế không đạt các điều kiện về an toàn...”, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị.

 

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Giãn cách và cách ly trong bệnh viện, Bệnh viện dã chiến, Chiến lược về xét nghiệm, Kiểm soát nhiễm khuẩn, An toàn tiêm chủng vắc xin.

 

* Đến chiều 11/5, tại Bệnh viện K đã ghi nhận có 12 ca bệnh mắc COVID-19 và 4 trường hợp nghi ngờ đều ghi nhận tại cơ sở Tân Triều. Để đảm bảo an toàn trong giãn cách cho gần 3.500 người cách ly tại bệnh viện cùng với quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất, Bệnh viện đã di chuyển 500 người bệnh và người nhà đến Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong điều kiện tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc phòng chống dịch.

 

Vào 7 giờ sáng 11/5, đoàn 12 xe cấp cứu từ bệnh viện K cơ sở Tân Triều di chuyển từng đợt, từng khoa lần lượt 6 người bệnh và người nhà được sắp xếp ngồi trên 1 xe. Mỗi xe di chuyển có 1 cán bộ y tế phụ trách để đảm bảo theo dõi sức khỏe người bệnh, người nhà trên đường đi.

 

Tất cả người bệnh và người nhà di chuyển sáng nay đều có sức khỏe ổn định và đã được xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính COVID-19. Như vậy, hiện tại ở cả 3 cơ sở của Bệnh viện K có khoảng 3.000 người cách ly, riêng tại cơ sở Tân Triều có khoảng 2.400 người.

 

Những người được đưa đi cách ly ngoài bệnh viện đều được yêu cầu mặc trang phục bảo hộ và đảm bảo khoảng cách tại khu tập kết để chuẩn bị lên các xe đã phun khử khuẩn và sẵn sàng di chuyển.

 

Tiến sĩ Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) chia sẻ Khoa Ngoại đầu cổ chuyển 44 người bệnh và 28 người nhà đến khu tập trung mới để đảm bảo giãn cách tại bệnh viện. Những người bệnh đã chuyển đi chủ yếu bệnh lý giai đoạn sớm, đã phẫu thuật ổn định, sức khỏe hồi phục tốt và có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính.

 

Sau 4 ngày cách ly tại bệnh viện, người bệnh và người nhà cũng chủ động hơn, thoải mái về tinh thần hơn và sẵn sàng phối hợp thực hiện đúng theo quy định.

 

Hiện bệnh viện vẫn đang tăng cường giãn cách và thần tốc truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, hiện tại tất cả người cách ly ở bệnh viện đang được tiến hành xét nghiệm RT-PCR lần 2.

 

l.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek