Cuối tháng 2/2021, tin vui đến với mọi người dân Việt Nam khi nước ta có hơn 170.000 liều vắc xin phòng ngừa COVID-19, nhưng không vì thế mà chủ quan và lơ là thực hiện thông điệp 5K trong phòng, chống dịch.
Ngày 5/3/2021, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiêm chủng giai đoạn 2021-2022 phòng ngừa dịch bệnh vô cùng nguy hiểm này. Trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, chưa có một cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh nào mà “cuộc chạy đua” giữa nghiên cứu vắc xin phòng ngừa của con người với sự biến đổi gene để chống lại vắc xin của virus lại quyết liệt đến như vậy. Và cũng chưa có kỷ lục nào trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin chỉ thực hiện trong thời gian ngắn như vắc xin phòng COVID-19.
Vắc xin - biện pháp phòng bệnh chủ động
Với những kết quả vô cùng ấn tượng trong việc ngăn ngừa và khống chế đại dịch COVID-19, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên đáng kể. Nhu cầu về vắc xin phòng COVID-19 rất lớn, nhiều quốc gia giàu có cũng gặp khó khăn trong việc cung ứng vắc xin để tiêm chủng cho người dân nước mình.
Người dân mang khẩu trang và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn khi đến trạm y tế khám bệnh. Ảnh: YÊN LAN |
Tranh thủ uy tín với thành công trong phòng chống dịch và sự hỗ trợ đáng kể của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã mua được hơn 170.000 liều; tháng 4 và tháng 5 tới sẽ có thêm 4,5 triệu liều nữa. Đây là tin vui không chỉ với những người trên tuyến đầu chống dịch mà cho tất cả người dân Việt Nam.
Sau khi có được đợt vắc xin đầu tiên, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm chủng, tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiêm chủng an toàn. Sau hơn 10 ngày có vắc xin, chúng ta đã tiêm được hơn 10.000 người, đảm bảo an toàn và sẽ triển khai tiêm rộng rãi hơn cho các địa phương cùng các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng trong đợt này.
Trong phòng chống dịch bệnh, vắc xin được xem là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả cao, nhưng để đạt được miễn dịch cộng đồng đòi hỏi tỉ lệ tiêm chủng phải đạt trên 75-85%. Với dân số 100 triệu người, để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng thì ít nhất phải có 75 triệu người tiêm chủng, một người tiêm 2 mũi thì cần đến 150-200 triệu liều.
Như vậy, để đạt được tỉ lệ này, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm nguồn cung ứng vắc xin cũng như nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước. Những nỗ lực trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin của Việt Nam cũng đã gặt hái được những kết quả bước đầu.
Hiện nay, Việt Nam đã có được 2 loại vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Để có được vắc xin trong nước, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, sớm nhất cũng phải cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Nhưng dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, tác nhân gây dịch là SARS-CoV-2 có sự biến đổi gene liên tục khiến tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh hơn, sự biến chủng này càng làm cho cuộc chiến chống đại dịch ngày càng phức tạp. Hơn nữa, trong xu thế phát triển, hội nhập sâu rộng trên phạm vi toàn cầu thì sự an toàn trước các dịch bệnh không thể chỉ cho từng quốc gia mà phải trên phạm vi toàn thế giới.
Nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K
Trước khi có đủ vắc xin cho hơn 8 tỉ người trên trái đất thì các biện pháp phòng bệnh khác phải được thực hiện nghiêm túc và liên tục. Hiện nay, một số quốc gia đã tổ chức tiêm chủng cho người dân, một số nước hy vọng đến tháng 9/2021 sẽ có miễn dịch cộng đồng ở quốc gia họ.
Kể từ khi có vắc xin, nhiều người dân ở nhiều quốc gia đã có tâm lý lơ là các biện pháp phòng bệnh khác mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Một số bang ở Mỹ như Texas đã bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn bang. Một số người dân ở nhiều nước khác chủ quan với dịch bệnh, không hoặc tuân thủ không đầy đủ các biện pháp phòng bệnh.
Sau khi tiêm chủng, để vắc xin phát huy hiệu quả, tạo được miễn dịch cũng mất vài tháng, hơn nữa hiệu quả bảo vệ của các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay kéo dài bao lâu vẫn chưa được khẳng định. Vì vậy, trước khi vắc xin phòng chống COVID-19 được tiêm chủng đạt tỉ lệ mong muốn, người dân trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải kiên trì, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo.
Đến nay, Phú Yên chưa có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, các trường hợp mắc bệnh được điều trị tại tỉnh từ nước ngoài trở về và được cách ly ngay sau nhập cảnh. Có thể nói, Phú Yên đã và đang làm rất tốt công tác phòng chống COVID-19, đa số người dân đều thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Nhưng gần đây, một số người không tuân thủ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện vệ sinh cá nhân chưa tốt, vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, chưa thực sự giữ khoảng cách an toàn và khai báo y tế chưa đầy đủ. Hơn nữa hiện nay, việc tiêm vắc xin chỉ ưu tiên cho những người có nguy cơ cao, những tỉnh có dịch bệnh, thì việc Phú Yên có được vắc xin để tiêm chủng còn khá lâu.
Vì vậy mọi người, mọi gia đình cần nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K mà các cơ quan chức năng khuyến cáo, đó là: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập và khai báo y tế để đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình mình và cho cả cộng đồng xã hội.
Trong phòng chống dịch bệnh, vắc xin được xem là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả cao, nhưng để đạt được miễn dịch cộng đồng đòi hỏi tỉ lệ tiêm chủng phải đạt trên 75-85%. Với dân số 100 triệu người, để Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng thì ít nhất phải có 75 triệu người tiêm chủng, một người tiêm 2 mũi thì cần đến 150-200 triệu liều. |
BS NGUYỄN VINH QUANG