* Đã có hơn 10.000 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam
Theo bản tin 6 giờ ngày 14/3 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, tính từ 18 giờ ngày 13/3 đến 6 giờ ngày 14/3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Cả nước hiện vẫn có 2.553 bệnh nhân COVID-19, trong đó có tổng cộng 1594 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 901 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 717 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).
10 tỉnh, thành phố đã tròn 1 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới COVID-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội, đã 26 ngày không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Hải Phòng: tính từ ca bệnh mắc gần nhất đến nay đã 19 ngày thành phố này không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 39.613, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 503; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 16.056; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 23.054.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, Việt Nam đã chữa khỏi 2.086 bệnh nhân COVID-19.
Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị có 187 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 48 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 48 ca, số ca âm tính lần 3 là 91 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện còn BN1536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân đã dừng ECMO 18 ngày, tập cai thở máy nhiều ngày nhưng vẫn còn khó khăn nên vẫn duy trì tỷ lệ 80% thở máy, 20% tự thở. Bệnh nhân cai thở máy khó khăn do sức cơ yếu, suy tim nặng và huyết động không ổn định.
Sau khi kết thúc ECMO, hiện phổi bệnh nhân thông khí khá tốt, ôxy máu luôn đảm bảo. Tuy nhiên, chức năng các cơ quan khác như gan, thận, não, cơ quan tạo máu của bệnh nhân khó hồi phục.
Đặc biệt bệnh nhân có tình trạng suy tim nên thỉnh thoảng lên cơn rối loạn nhịp, tụt huyết áp đe dọa tính mạng...
BN1536 đang tiếp tục được duy trì thuốc hỗ trợ nâng đỡ các cơ quan, tiếp tục lọc máu do thận còn suy chưa làm việc. Đồng thời bệnh nhân cũng đang phải dùng phối hợp nhiều thuốc kháng sinh, kháng nấm do kết quả xét nghiệm cho thấy có khả năng đã bước vào đợt nhiễm trùng bội nhiễm mới do nấm hoặc vi trùng khác.
Đến nay BN1536 đã có 6 lần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 liên tục. Lần gần nhất là ngày 11/3.
Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 ca), Quảng Nam (3 ca) và Quảng Trị (1 ca).
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), tính tới hết ngày 13/3, Việt Nam có thêm 4.793 người được tiêm chủng an toàn vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người đã được tiêm tại Việt Nam lên 10.041 người.
Đây là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng.
Trong số đó, Hải Dương đã tiêm 6.287 người; Hà Nội đã tiêm 163 người; Hưng Yên đã tiêm 840 người; Bắc Ninh đã tiêm 312 người; Bắc Giang đã tiêm 823 người; Hải Phòng đã tiêm 205 người; Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm 774 người; Gia Lai đã tiêm 200 người; Long An đã tiêm 193 người; Đà Nẵng đã tiêm 117 người; Hòa Bình đã tiêm 32 người; Khánh Hòa đã tiêm 95 người.
Một số cơ sở y tế tạm ngừng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần và tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 vào đầu tuần tới.
Tỉnh Hải Dương đang ưu tiên triển khai tại 6 nơi gồm TP Hải Dương và các huyện Cẩm Giàng, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Nam Thành. Các huyện còn lại sẽ triển khai từ ngày 17/3.
Trong ngày 13/3, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia không ghi nhận trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Các địa phương yêu cầu người đi tiêm chủng thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe và tiền sử tiêm chủng cho cán bộ y tế (bệnh nền, bệnh cấp tính mắc và sử dụng thuốc trong thời gian gần đây, lưu ý các trường hợp có tiền sử dị ứng).
Các biểu hiện về sức khỏe được theo dõi chặt chẽ và báo cáo đầy đủ hằng ngày cho thấy công tác triển khai được thực hiện tốt, hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng hoạt động tích cực và vaccine tiếp tục được triển khai an toàn.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)