Tính đến 18 giờ ngày 4/2, Việt Nam có tổng cộng 1.068 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 375 ca.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ ba bùng phát gần giáp Tết, hiện nay xung quanh câu chuyện người dân ở các tỉnh có ca mắc COVID-19 về quê đón Tết phải cách ly tại nhà, khai báo y tế tại địa phương vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên để giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Vietnam+ |
* Thưa thứ trưởng, hiện nay việc cách ly các đối tượng để phòng chống dịch COVID-19 được quy định như thế nào?
- Theo hướng dẫn cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như của Bộ Y tế, đối với những khu vực có ổ dịch được Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định khoanh vùng và phong toả thì phải tuân thủ nghiêm ngặt. Tất cả những đối tượng F1 phải đưa đi cách ly tập trung. Những đối tượng F2 thì phải cách ly theo dõi tại nhà.
Những đối tượng không phải F1, F2 mà được về nơi cư trú thì bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà để nếu có vấn đề phát sinh thì phải xử lý ngay.
Như ban đầu tôi nói là thẩm quyền cho các đối tượng ra khỏi cách ly thuộc chính quyền địa phương cấp đó. Còn lại những vùng không thuộc dịch, không bị phong tỏa, các hoạt động sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.
- Thưa thứ trưởng, vừa qua chúng tôi nhận được thông tin nhiều tỉnh, thành phố quy định người từ Hà Nội hay các tỉnh có dịch về quê thì phải khai báo y tế địa phương và tự cách ly tại nhà. Ý kiến của thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Một phụ huynh gọi điện ra cho người thân tại Khu cách ly tập trung. Ảnh: TTXVN |
- Đúng là chúng tôi nhận được phản ánh của người dân, của các địa phương, của các cơ quan báo chí về vấn đề xem xét những người đi từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch và những người ở địa phương có những ổ dịch… về quê đón Tết. Thực tế cho thấy có những cảm nhận/quyết định giữa các địa phương vẫn chưa thống nhất.
Thực ra là trong thời gian vừa rồi một số địa phương chưa hình dung một cách đầy đủ thế nào là ổ dịch và chưa hiểu hết rằng đã là ổ dịch chúng ta phải phong tỏa và khoanh vùng, chưa hiểu được thế nào là địa phương có ổ dịch.
Tôi dẫn chứng, một phường có nhiều đường phố, có đường phố thì có ca bệnh dương tính thì chúng ta gọi đây là ổ dịch khoanh vùng. Còn những phố không có ca bệnh thì coi là không có dịch.
Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế Dự phòng khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để có thể thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Văn bản hướng dẫn đó chúng tôi đang giao Cục Y tế dự phòng dự thảo tham mưu nhanh để ban hành trong thời gian sớm nhất, như trước đó Bộ Y tế đã hướng dẫn trong vụ dịch xảy ra ở Sơn Lôi.
Trong quá trình chưa có hướng dẫn, các địa phương nào phản ánh về chúng tôi đều có hướng dẫn trực tiếp với địa phương đó.
- Vậy hiện nay Hà Nội có được coi là một ổ dịch không thưa thứ trưởng?
- Hà Nội đang giao cho cơ quan chuyên môn rà soát rất kỹ để trình lãnh đạo TP Hà Nội quyết định xem khu vực nào là có dịch và khu vực nào không có dịch.
* Trong giai đoạn ba này, công tác chống dịch của chúng ta vẫn đi trước, khuyến cáo mạnh mẽ hơn 1 bước không thưa Thứ trưởng?
- Chúng ta trong giai đoạn này vẫn quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia là về quan điểm của Việt Nam từ trước đến nay chống dịch bao giờ cũng phải nâng lên 1 cấp. Chính vì mình nâng cấp như vậy nên chúng ta không chủ quan và sẵn sàng có giải pháp ứng phó. Thực tế thời gian qua đã chứng minh khi có dịch xảy ra như ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, một số tỉnh khác… chúng ta đều có phản ứng rất nhanh.
Tuy nhiên, tôi cho rằng với các giải pháp của Ban chỉ đạo quốc gia thì các địa phương đang làm tương đối tốt. Đến nay, hai ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh vẫn đang được kiểm soát rất chặt chẽ.
Vừa qua, còn một số ổ dịch ở các địa phương khác chúng ta cố gắng phát hiện sớm, truy vết nhanh. Bởi vì trong điều kiện dịch lúc nào cũng có nguy cơ bùng phát, chúng ta phải phát huy các giải pháp để phát hiện thật sớm. Khi có ca bệnh, đã phát hiện rồi thì phải khoanh vùng, phải cách ly và tiến hành các biện pháp dập dịch ngay. Có như vậy thì chúng ta mới khống chế để không cho dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Ở những nơi không có dịch, mọi hoạt động diễn ra bình thường, nhưng người dân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia, đặc biệt là thực hiện tốt thông điệp 5K.
Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng!
Theo Vietnam+