Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã siết chặt những biện pháp phòng chống dịch.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm
Tại cuộc họp trực tuyến với ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương trên cả nước mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được chủ quan, nhất là các địa phương chưa xảy ra dịch, phải cảnh giác cao độ. Chủng mới lây lan rất nhanh nên tất cả các sở Y tế phải nâng mức báo động lên; tất cả thầy thuốc, y bác sĩ ở các cơ sở y tế phải đặt trong tình trạng cảnh giác cao hơn một mức so với trước đây. Các tỉnh phải “giữ chặt” hệ thống y tế, tuyệt đối không được để xảy ra trường hợp như Đà Nẵng”.
Ngay sau đó, Bộ Y tế có công điện đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng; đánh giá lại theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng chống dịch COVID-19; thực hiện thật nghiêm quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh. Bộ đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm; cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế; rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch; phối hợp với cơ quan kiểm soát bệnh tật các tỉnh hoặc các bệnh viện có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế. Đồng thời, bộ yêu cầu các cơ sở y tế kê đơn, cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho bệnh nhân, tối đa 3 tháng; chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh để phát hiện sớm và ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch COVID-19 lây lan trong các bệnh viện…
Để bệnh viện được an toàn
Ngay sau khi Ban chỉ đạo quốc gia thông tin về ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã tái kích hoạt hệ thống phòng chống dịch với hàng loạt biện pháp. Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi liên tục cập nhật các văn bản hướng dẫn phòng chống dịch, đặc biệt là Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn ban hành tại Quyết định 3088 của Bộ Y tế. Bệnh viện đã rà soát, khắc phục những tồn tại, củng cố để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt hơn, từ chốt sàng lọc, từ việc yêu cầu khai báo y tế, tìm hiểu yếu tố dịch tễ đến các hoạt động khác. Các khoa đều có phòng đệm; những trường hợp nghi ngờ tại khoa thì đưa vào phòng đệm. Khoa Cấp cứu có phòng cách ly tạm thời, là nơi tiếp nhận những trường hợp nghi ngờ, nhập viện do chấn thương. Tại đây, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc và có hướng xử trí tiếp theo”.
Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên đã lập khu cách ly để tiếp nhận, điều trị ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định (nếu có) theo phương châm “bốn tại chỗ”. Bác sĩ Trần Như Tiến, Giám đốc bệnh viện cho biết cơ sở y tế này thực hiện theo Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn, đặc biệt chú trọng việc sàng lọc F1, F2, phân luồng bệnh nhân.
Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cũng thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng bệnh nhân; nhân viên y tế và bảo vệ chia ca trực 24/24. Các thông báo khẩn của Bộ Y tế được chốt sàng lọc, Khoa Cấp cứu, phòng sinh và các khoa khác cập nhật hàng ngày. Bác sĩ Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc điều hành bệnh viện cho biết: “Bệnh viện đã lập khu cách ly để tiếp nhận bệnh nhân đến/về từ những nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; nhân viên y tế khám theo quy trình phòng chống dịch và kịp thời lấy mẫu gửi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm. Nếu kết quả âm tính thì chuyển bệnh nhân đến phòng cách ly của các khoa lâm sàng, nếu kết quả dương tính thì báo ngay cho Sở Y tế. Tại phòng sinh cũng bố trí phòng cách ly và thiết lập phòng mổ dã chiến”.
Bệnh viện Mắt Phú Yên thực hiện truyền thông phòng chống dịch bằng những hình ảnh trực quan, bắt mắt; thông tin, hướng dẫn được thể hiện rõ ràng. “Mọi hoạt động đều phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng chống dịch, từ việc yêu cầu khai báo y tế, khai thác yếu tố dịch tễ, chia ca chia kíp trực… đến thành lập khu vực cách ly tạm thời để khám, điều trị và lưu bệnh nhân tạm thời trong trường hợp có nghi ngờ”, bác sĩ Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc bệnh viện nói.
Bản tin 6 giờ ngày 4/2 của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết ghi nhận thêm 37 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đều tại Hải Dương. Đây là những công nhân làm việc tại khu công nghiệp thuộc TP Chí Linh, đã được cách ly, không có nguy cơ lây ra cộng đồng. Đến 18 giờ cùng ngày, bản tin của Ban chỉ đạo quốc gia cho biết có thêm 9 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, ghi nhận tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bình Dương và Gia Lai. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 1.957 ca mắc COVID-19.
Tại Phú Yên, 3 bệnh nhân COVID-19 vừa bình phục, xuất viện; khu cách ly y tế điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 chỉ còn một bệnh nhân. Tính đến thời điểm này, tại Phú Yên đã có 26 bệnh nhân COVID-19 bình phục, xuất viện. Tất cả đều là người nhập cảnh.
Tết Nguyên đán càng đến gần, người Phú Yên từ các tỉnh thành khác trở về càng đông nên số người được giám sát tiếp tục tăng cao, lên đến 5.363 người. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, đến 17 giờ ngày 4/2, trên địa bàn tỉnh có 4 người cách ly tại cơ sở y tế (trong đó có một ca bệnh xác định, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh), 275 người cách ly tập trung, 574 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú, 4.510 người đang tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Cơ quan chuyên môn vừa lấy mẫu làm xét nghiệm 102 trường hợp, kết quả âm tính 75 trường hợp, đang chờ kết quả 27 trường hợp. |
YÊN LAN