Chiều 3/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu từ ngày 4/4, UBND các quận, huyện trên địa bàn tổ chức lực lượng đi kiểm tra, xử phạt tất cả những người ra đường mà không có lý do cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men.
“Từ ngày 1-15/4, nếu người dân vẫn tiếp tục ra đường, chỉ 10% dân số không thực hiện cũng có thể đổ bể kế hoạch cách ly, giãn cách xã hội. Quan trọng nhất là hiện nay phải ở trong nhà, nếu không có việc cần thiết thì không ra đường”, ông Chung nhấn mạnh.
Sau khi phát biểu của ông Chung được báo chí đăng tải, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số ý kiến cho rằng như vậy là vi phạm quyền đi lại của công dân (?!) và ông Chung căn cứ vào điều luật nào mà lại đề ra quy định này? Tuy nhiên, đại đa số Facebooker khẳng định trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ở thủ đô được đánh giá là diễn biến phức tạp nhất nước như hiện nay, chỉ đạo của ông Chung là phù hợp. Rất nhiều Facebooker đánh giá từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, ông Chung đã cùng chính quyền Hà Nội làm được nhiều việc thiết thực, hiệu quả cho dân. Sáng 4/4, trên trang cá nhân, Facebooker Ngô Nguyệt Hữu viết: “Hãy để yên cho ông Nguyễn Đức Chung làm việc. Mặc cho việc của ông Chung, chính là việc lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân thủ đô. Mà sức khỏe, tính mạng của nhân dân thủ đô được đảm bảo trong đại dịch COVID-19 thì cả nước sẽ thắp lên rất nhiều hy vọng” và nhận được sự yêu thích của hàng ngàn người và hàng trăm lượt chia sẻ!
Còn ở Phú Yên, chiều 31/3, UBND TP Tuy Hòa tổ chức tuyên truyền người dân không tập trung đông người tại các khu vực công cộng như công viên, Quảng trường 1 Tháng 4, bờ biển. Các lượng chức năng của thành phố vận động người dân không tắm biển, hạn chế việc tiếp xúc giữa người với người; ra quân nhắc nhở, xử lý người dân không đeo khẩu trang khi ra đường, đến các địa điểm công cộng.
Ở đây xin đề cập một chuyện là sau khi chủ trương “vận động người dân không tắm biển” được phổ biến, không phải ai cũng bày tỏ sự đồng thuận. Nhất là những công dân thành phố đã nhiều năm “bám biển” để bơi lội, vẫy vùng mỗi sáng chiều mà lập luận quen thuộc nhất vẫn là “Tắm biển là để có sức khỏe mà ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, sao lại “cấm”?”. Nhưng vấn đề chủ yếu là tránh tụ tập đông người tạo điều kiện cho virus lây lan. Vì thế, qua kiên trì giải thích, vận động gắn với phong tỏa các lối đi xuống bãi biển của các lực lượng chức năng, rất nhiều người dân đã tích cực hưởng ứng.
Ông T.L.V (khu phố Trần Phú, phường 7, TP Tuy Hòa) chia sẻ: Tôi có “thâm niên” tắm biển đã mấy chục năm nay và thành thói quen rồi. Hôm đầu ở nhà, tôi thấy khó chịu, bứt rứt lắm chứ. Nhưng chính quyền đã có yêu cầu chính đáng, đúng đắn thì người dân rất nên chấp hành để gìn giữ an toàn cho cả cộng đồng. Mai này hết dịch rồi thì tắm bù cũng được mà! Nếu rạng sáng 1/4 vẫn còn người tắm biển đi về vô tư (do chưa kịp cập nhật thông tin) thì đến sáng 5/4, tình trạng này đã chấm dứt, trả lại sự im ắng cho bãi biển.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc gì có lợi cho dân mà triển khai kịp thời, quyết liệt và minh bạch thì sẽ được nhân dân hưởng ứng, làm theo. Vì thế, dịch bệnh COVID-19 nhất định sẽ bị khống chế, đẩy lùi. Xin đề nghị lực lượng chức năng của TP Tuy Hòa lưu ý là hiện vẫn còn một số người dân rủ nhau đi tắm sớm và về nhà khoảng 4 giờ 30 mỗi sáng để tránh sự phát hiện của các chốt kiểm soát. Do đó rất cần sự theo dõi, nhắc nhở, cảnh báo của cơ quan chức trách để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, góp phần cùng cả nước sớm dập tắt đại dịch.
SÔNG BA HẠ