Khi dịch bệnh nguy hiểm đã lây lan trong cộng đồng thì đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhất chính là các cơ sở y tế.
Nỗi lo dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
Tin vui trong ngày cuối tuần là số bệnh nhân COVID-19 bình phục cao hơn 3 lần số ca mắc (bình phục 10 ca, mắc 3 ca trong ngày 4/4), và gần 90 nhân viên y tế tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E, Bệnh viện Việt Pháp tiếp xúc với bệnh nhân thứ 237 đều âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nỗi lo hiện nay là dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Trong thông báo khẩn số 10 liên quan đến trường hợp mắc COVID-19 thứ 237, Bộ Y tế yêu cầu người dân đã đến những nơi mà bệnh nhân đã từng đến cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được theo dõi sức khỏe. Bệnh nhân thứ 237 bị ung thư máu, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019 và đã đi rất nhiều nơi, đến 4 cơ sở y tế cho tới khi được phát hiện mắc COVID-19 sau khi bị tai nạn giao thông. Hơn 100 người tiếp xúc gần với bệnh nhân thứ 237 đã được cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm; gần 200 người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần được cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm. Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, trường hợp bệnh nhân số 237 cũng có hiện tượng F0 mất dấu.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong 240 trường hợp mắc COVID-19 (tính đến tối 4/4) có 149 trường hợp là người nước ngoài (chiếm hơn 62%), 91 trường hợp lây nhiễm thứ phát, trong đó 61 ca bị lây nhiễm từ ổ dịch nội địa.
Đáng lo ngại là, như PGS-TS Trần Đình Bình, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trường đại học Y Dược Huế đã nói, trong số những người nhiễm SARS-CoV-2 có một tỉ lệ đáng kể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Vì vậy, trong công tác dự phòng, bên cạnh lâm sàng cần phải đặc biệt quan tâm đến yếu tố dịch tễ: người đó có đến, ở hoặc đi qua vùng có dịch hay không? “Dịch tễ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với những người không có triệu chứng, tới cơ sở y tế để khám một bệnh khác”, PGS-TS Trần Đình Bình nhấn mạnh.
Bảo vệ nhân viên y tế và người bệnh
Khi dịch bệnh nguy hiểm đã lây lan trong cộng đồng thì đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nhất chính là các cơ sở y tế. Bệnh viện Bạch Mai là một ví dụ. Vì vậy, việc sàng lọc, phân luồng bệnh nhân cần phải được thực hiện chặt chẽ hơn bao giờ hết. BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: “Bệnh viện chúng tôi đã đặt ra tình huống bệnh nhân bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu và nghi mắc COVID-19. Đối với những trường hợp cấp cứu, bác sĩ Khoa Cấp cứu sàng lọc, khai thác yếu tố dịch tễ. Nếu bệnh cảnh nhẹ và bệnh nhân nghi mắc COVID-19, chúng tôi sẽ đưa đến khu vực cách ly và có những bước xử trí tiếp theo. Trường hợp bệnh nhân nguy kịch và nghi mắc COVID-19, không thể chuyển đi nơi khác, nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ đầy đủ, cấp cứu bệnh nhân. Bệnh viện cũng đã bố trí một phòng mổ riêng dành cho bệnh nhân nghi mắc/mắc COVID-19, mổ xong thì tiến hành khử khuẩn theo hướng dẫn”.
Từ ngày 1/4, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên triển khai đặt hẹn đăng ký khám bệnh qua điện thoại nhằm giảm tối đa số lượng người tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, đảm bảo người bệnh ngồi chờ khám cách nhau từ 2m trở lên. Trên trang web http://benhvienphuyen.vn, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cung cấp tên điều dưỡng trực và số điện thoại đăng ký hẹn khám bệnh 0939379176.
Bệnh viện Mắt Phú Yên cũng đã tiến hành điều tra dịch tễ đối với tất cả những người đến khám chữa bệnh, đồng thời thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người bệnh trong các hoạt động ở bệnh viện. Song song đó, bệnh viện khuyến cáo người dân chỉ đến khám mắt khi thực sự có triệu chứng cấp nặng. Đối với các bệnh thông thường khác, người bệnh chỉ cần vệ sinh cá nhân tốt, tăng cường sức đề kháng là bệnh có thể thuyên giảm. Trước đó, Bệnh viện Mắt Phú Yên đã điều chỉnh lượng bệnh nhân mổ phiên để không tập trung đông người, đồng thời chủ động phòng tránh nguy cơ lây nhiễm ở người cao tuổi - nhóm bệnh nhân chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh về mắt và dễ diễn tiến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm công văn của Sở Y tế về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân không đến bệnh viện nếu không thật sự cần thiết. Còn khi đã có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, đặc biệt là liên quan đến tim mạch (bị đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn, nôn…), thần kinh (liệt mặt, méo mặt, đột ngột không đi lại được, không nhấc tay lên được, nói đớt, nói không còn logic, không nói được…) thì hãy liên lạc với nhân viên y tế qua điện thoại hoặc qua mạng internet để được tư vấn và đến cơ sở y tế ngay, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường!
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông và các đồng nghiệp vừa gặp hai trường hợp có bệnh cảnh khác nhau, vì lo ngại lây nhiễm SARS-CoV-2 mà bệnh nhân chần chừ đến bệnh viện, dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc. Một bệnh nhân bị đau ngực từ hôm trước, tới khi cơn đau xuất hiện dữ dội, bệnh nhân vẫn chưa vào viện do lo ngại dịch bệnh. Đến khi được đưa vào bệnh viện thì các bác sĩ không thể nào cứu được trái tim của bệnh nhân này. Trường hợp thứ hai có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, đã hết thuốc một tuần mà không đi tái khám, khi vào viện bị choáng tim nặng. Dù được các bác sĩ hết lòng cứu chữa, hai bệnh nhân trên vẫn không qua khỏi. |
YÊN LAN