Chủ Nhật, 19/01/2025 05:57 SA
Từng công dân tự giác phòng, chống COVID-19!
Thứ Sáu, 13/03/2020 06:00 SA

Sáng 12/3, ghé nhà người quen ở phường 5 (TP Tuy Hòa), tôi gặp cô cháu gái học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Huệ đang ngồi đọc sách, bèn hỏi: Lại được nghỉ dài, con không đi đâu chơi hay uống nước với bạn à? Cô bé trả lời: Dạ, thấy tình hình COVID-19 mấy ngày nay “hoạt động” dữ dằn quá, nhóm tụi con bảo nhau tạm ngừng đi “tám” ở quán nước như mọi khi để tránh lây lan, bác ạ! Thay vào đó, đứa nào ở nhà đứa ấy, có trao đổi bài vở hay thông tin gì thì qua Zalo, Facebook cho yên tâm. Bây giờ, trừ phi có việc cần thiết phải ra ngoài, chớ đến nơi nhiều người sao con thấy ngại quá!

 

Ngay lúc đó, điện thoại đổ chuông. Đầu dây bên kia, anh bạn cơ quan cũ báo tin: Đám cưới trai út tôi theo kế hoạch sẽ diễn ra vào giữa tuần sau như thiệp mời đã gửi. Nhưng tối qua nhà trai ở Nha Trang gọi ra và hai bên đã thống nhất dời lại để hết dịch sẽ tổ chức cho đảm bảo an toàn, đông vui. Khi nào chọn được ngày, tôi sẽ báo lại cho anh nhé…

 

Hai trường hợp tự giác phòng, tránh nói trên chắc không phải là hiếm hoi trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Nói thế là vì gần nửa đêm ngày 11/3 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố, gọi sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 là đại dịch và đã xuất hiện ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tuy chưa có thống kê chính thức nhưng có thể khẳng định rằng, thiệt hại trong hai tháng từ khi có dịch COVID-19 trên cả nước đến nay là rất lớn. Mỗi ca mắc phải (và cả một ca mắc mới) phải tốn một đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng và nhiều phương tiện, thiết bị, thuốc men để điều trị. Kéo theo các ca mắc này là những người, những địa bàn liên quan cần phải phong tỏa, cách ly, theo dõi; học sinh, sinh viên nghỉ học; sản xuất, làm ăn đình trệ, gặp khó khăn nhiều mặt trong thời gian dài…, rõ ràng, tốn kém công sức, tiền bạc và nhất là tâm lý hoang mang, lo lắng đang tồn tại trong đời sống xã hội thật không kể xiết!

 

Vì thế, hơn bao giờ hết, công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh cần được cả hệ thống chính trị tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Trong những ngày “chống dịch như chống giặc” này, ý thức và trách nhiệm với cộng đồng của mỗi công dân cần được thể hiện bằng những việc làm thiết thực. Cụ thể là hạn chế đến và trò chuyện tại những nơi tập trung đông người như quán cà phê, trà sữa, đám cưới, đám giỗ… mà nơi này không có những điều kiện, biện pháp phòng, chống COVID-19 theo quy định. Thường xuyên rửa tay sát khuẩn; đeo khẩu trang nơi công cộng và nhắc những người khác cùng làm như vậy. Nếu cảm thấy có biểu hiện nóng, sốt, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra. Khi cần thiết, phải tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà, cách ly tập trung theo yêu cầu của cơ quan y tế. Tích cực phát hiện các trường hợp có biểu hiện nghi vấn liên quan đến dịch bệnh COVID-19 xuất hiện trong khu dân cư để cấp báo cho cơ quan chức năng có biện pháp giám sát, xử lý phù hợp… Nếu từng công dân phát huy mạnh mẽ ý thức, tinh thần trách nhiệm của mình trong phòng, chống COVID-19 như vậy thì chắc chắn rằng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát, kiềm chế, ngăn chặn tốt để cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển ngày càng bền vững.

 

SÔNG BA HẠ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek