Hơn 127.600 người mắc tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, đại dịch do SARS-CoV-2 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng từ châu Á đến châu Âu. Tại Việt Nam, 44 trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận, tính đến 19 giờ 30 ngày 12/3. Phòng chống dịch bệnh đang là mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền và của toàn dân.
Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS.TS Trần Đình Bình, Phó Trưởng bộ môn Vi sinh, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trường đại học Y Dược Huế, về công tác dự phòng COVID-19.
* Thưa phó giáo sư, ông nói rằng trong số những người nhiễm SARS-CoV-2 có một tỉ lệ đáng kể không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Vậy trong công tác dự phòng, cần phải làm thế nào để không bỏ sót ca bệnh?
- Trong công tác dự phòng phải để ý đến hai yếu tố, thứ nhất là lâm sàng, là các triệu chứng, thứ hai là yếu tố dịch tễ: người đó có đến, ở hoặc đi qua vùng có dịch hay không? Dịch tễ là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với những người không có triệu chứng, tới cơ sở y tế để khám một bệnh khác.
* Theo phó giáo sư, trong chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, cần lưu ý những gì để phân biệt bệnh này với cúm mùa, với sốt xuất huyết?
- Cúm mùa xảy ra quanh năm nhưng cũng tập trung vào mùa đông - xuân và giai đoạn này; các triệu chứng điển hình của cúm mùa cũng không khác gì các triệu chứng khi nhiễm SARS-CoV-2. Cho nên khi bệnh nhân có những triệu chứng đó thì phải đưa vào diện nghi ngờ và cách ly ngay, sau đó sẽ kiểm tra bằng các xét nghiệm.
Nếu có điều kiện thì xét nghiệm cúm luôn cho họ, nhưng cũng không loại trừ trường hợp vừa mắc cúm vừa nhiễm SARS-CoV-2, cho nên phải xét nghiệm cả SARS-CoV-2, cả cúm, cả sốt xuất huyết nếu có nghi ngờ, vì điều trị cúm khác, điều trị COVID-19 khác, và điều trị sốt xuất huyết hoàn toàn khác.
Nếu đưa vào khu cách ly và điều trị như nhau thì trường hợp sốt xuất huyết có thể sẽ nặng thêm, bệnh nhân cúm có thể bị lây SARS-CoV-2 từ bệnh nhân COVID-19, và như thế càng đáng sợ hơn cho môi trường cách ly. Cho nên phải cố gắng phân biệt được bằng các chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng, đặc biệt là bằng hình ảnh chụp cắt lớp phổi. Vì chụp CT thì sẽ nhận biết ngay trường hợp viêm phổi kẽ và viêm phổi không điển hình do SARS, còn cúm thì không có các dấu hiệu này, trừ cúm ở giai đoạn nặng thì có viêm phổi toàn bộ.
Cúm có thể gây tràn dịch màng phổi, còn SARS-CoV-2 thì không; trường hợp sốt xuất huyết thì phổi hoàn toàn bình thường. Cho nên CT phổi rất quan trọng. Ngoài ra còn một số xét nghiệm khác, như xét nghiệm công thức máu chung. Trường hợp sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm.
PGS.TS Trần Đình Bình tập huấn cho các cán bộ, nhân viên y tế tại Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN |
* Đối với các trường hợp nhập viện cấp cứu do chấn thương hoặc bệnh cảnh khác, làm thế nào ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2, thưa phó giáo sư?
- Đây là điều đáng sợ nhất trong cấp cứu. Ví dụ bệnh nhân được đưa đến cấp cứu do gãy chân vì tai nạn giao thông và có triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm đường hô hấp cấp, có yếu tố dịch tễ mà chúng ta bỏ qua là rất nguy hiểm. Vì vậy, phòng cấp cứu, đơn vị cấp cứu phải phân luồng và bố trí một phòng khám cách ly ở gần đó. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng về hô hấp, lập tức phải đưa vào phòng cách ly để khám tất cả những chấn thương cần cấp cứu của họ.
Khám ở phòng cách ly, không được khám chung! Những người bị chấn thương nhưng có yếu tố dịch tễ cũng phải đưa vào phòng khám cách ly để loại trừ nguy cơ lây nhiễm trước khi cấp cứu bệnh chính của họ. Bệnh nhân mà “lọt” qua phòng cấp cứu, vào phòng bệnh, phòng mổ thì rất nguy hiểm, cho nên phải khám cách ly và phân luồng ngay tại phòng cấp cứu, như là phân luồng ngoài phòng khám vậy.
* Phó giáo sư có thể cho biết bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 có những biến chứng nguy hiểm nào?
- Biến chứng nguy hiểm nhất của COVID-19 là suy hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp và tử vong rất nhanh, như các bệnh nhân ở Trung Quốc và Ý. Nhóm bệnh nhân ở Iran thì có biến chứng thần kinh. Một biến chủng khác của SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào thần kinh và làm bệnh nhân hôn mê trước khi khó thở. Đó là hai nhóm biến chứng quan trọng nhất làm cho bệnh nhân tử vong.
* Bên cạnh việc thực hiện đúng những khuyến cáo của Bộ Y tế, có những kinh nghiệm nào có thể góp phần ngăn ngừa hoặc giảm tác hại của SARS-CoV-2 nói riêng, virus nói chung, thưa phó giáo sư?
- Để ngăn ngừa nhiễm virus nói riêng và nhiễm trùng nói chung, khuyến cáo đầu tiên là vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh tay. Việc này cơ bản sẽ loại bỏ các nhiễm trùng, kể cả nhiễm virus. Ngoài ra, thói quen sử dụng tinh dầu của người Việt mình là một trong những giải pháp làm cho các nhiễm khuẩn đường hô hấp trở nên nhẹ đi và mức độ lây lan ít hơn so với nhiều quốc gia khác.
Có thể bôi tinh dầu, thậm chí đưa vào dung dịch khử khuẩn tay, ví dụ như đưa tinh dầu sả vào dung dịch khử khuẩn tay, tăng khả năng loại bỏ virus, hoặc đưa tinh dầu sả vào dung dịch xịt phòng, giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh nhanh hơn.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
Để ngăn ngừa nhiễm SARS-CoV-2, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng kết hợp với các biện pháp vệ sinh hô hấp, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, dụng cụ và sử dụng khẩu trang đúng cách. Khẩu trang y tế chỉ dùng một lần. Người dân cần trang bị vài cái khẩu trang vải, sau khi đi về thì cầm dây đeo tháo ra, giặt sạch.
Khẩu trang y tế hãy để dành cho nhân viên y tế - những người đang ở tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19. |
YÊN LAN (thực hiện)