Thứ Sáu, 18/10/2024 13:19 CH
Hướng tới Kỷ niệm 30 năm Ngày Tái lập tỉnh Phú Yên (1/7/1989-1/7/2019):
Vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy trong những năm 1989-1994
Thứ Sáu, 11/01/2019 07:00 SA

Từ sau chia tỉnh, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 1) Tỉnh ủy có 13 lần họp, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy chú trọng đi sâu vào từng mặt công tác lớn trong đó, 2 lần Tỉnh ủy họp mở rộng. Tỉnh ủy đã ra 2 nghị quyết quan trọng: Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ nhất họp từ ngày 27-28/6/1989, bàn và ra Nghị quyết về những công tác cấp bách sau chia tỉnh. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7, họp từ ngày 24-29/12/1990 kiểm điểm sự lãnh đạo của Tỉnh ủy năm 1990 và phương hướng nhiệm vụ năm 1991; kiểm điểm các đồng chí Tỉnh ủy viên.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về thăm Phú Yên ngày 11/3/1993 - Ảnh: MINH KÝ

Đầu tháng 12/1990, Tỉnh ủy mở đợt sinh hoạt chính trị thảo luận và lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội VII của Đảng, gần 80% đảng viên và hàng ngàn quần chúng tham gia.

 

Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 9 họp từ ngày 19-20/4/1991, thông qua bản tổng hợp ý kiến của đại hội cơ sở, cấp huyện, thị và tương đương đóng góp vào 5 dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ VII của Đảng. Báo cáo kết quả Đại hội Đảng cấp huyện, thị và chuẩn bị nội dung chương trình cho Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh dự Đại hội VII của Đảng. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, họp vào đêm 25/4/1991 thông qua danh sách Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh đi dự Đại hội lần thứ VII của Đảng.

 

Từ ngày 23-27/4/1991, tại Hội trường Đảng tỉnh (TX Tuy Hòa) Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 1) khai mạc. Đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục theo Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương. Đại hội đã bầu 13 đồng chí đại biểu (trong đó có 1 đại biểu đương nhiên), đại diện cho 9.176 đảng viên toàn tỉnh đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng.

 

Từ ngày 22-25/7/1991, Hội nghị lần thứ 12 của Tỉnh ủy bàn và thông qua một số nghị quyết quan trọng còn tồn tại sau chia tỉnh. Hội nghị tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo kiểm điểm về sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ qua để trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 2).

 

Trước tình hình đó, từ ngày 2-5/1/1992, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (vòng 2) được tiến hành tại Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh (TX Tuy Hòa). Dự đại hội có 296 đại biểu, thay mặt cho trên 9.174 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trên cơ sở phân tích một cách sâu sắc tình hình mọi mặt sau chia tỉnh, nhận rõ những thuận lợi và khó khăn, đánh giá các thành tích và khuyết điểm, báo cáo của Tỉnh ủy trước Đại hội Đảng bộ khẳng định những khả năng to lớn của tỉnh trên ba thế mạnh, có điều kiện giải quyết vững chắc lương thực, phát triển nghề biển, nghề rừng, sản xuất các hàng tiêu dùng cần thiết cho đời sống và xuất khẩu bằng nguyên liệu của địa phương.

 

Đại hội đã thông qua phương hướng, nhiệm vụ chung và các mục tiêu lớn của kế hoạch 5 năm (1991-1995) vạch ra nhiệm vụ của Đảng bộ trong 2 năm 1992-1993, thông qua những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 41 ủy viên chính thức, đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Trung ương Đảng, được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy. Cơ cấu Ban chấp hành mới của Đảng bộ phản ánh sự quan tâm của Trung ương Đảng và vị trí của Đảng bộ trong giai đoạn cách mạng mới.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, các hội nghị Tỉnh ủy lần thứ ba, họp từ ngày 12-13/6/1992 bàn và ra nghị quyết về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13, họp ngày 18-20/11/1993 bàn và ra Nghị quyết về đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn… đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, làm cho tình hình các mặt của đời sống xã hội chuyển biến tích cực.

 

Từ ngày 21-26/8/1992, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI họp nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung Đảng về đổi mới và chỉnh đốn Đảng.

 

Sau Hội nghị Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các huyện, thị ủy tổ chức học tập quán triệt nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, thảo luận Chương trình hành động của Tỉnh ủy, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động thực hiện nghị quyết ở cấp mình.

 

Tháng 5/1993, Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục bước 2 triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) và Chương trình hành động của Tỉnh ủy.

 

Trong những ngày đầu tháng 4/1994, một vinh dự lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Phú Yên là được đón đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về thăm và làm việc. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đồng chí Đỗ Mười đã cho những chỉ thị quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và làm sáng tỏ một số vấn đề về phương hướng và con đường vươn lên của Đảng bộ trong giai đoạn mới. Đồng chí đã vạch ra cho Đảng bộ tỉnh những suy nghĩ về công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao về đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh.

 

Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, từ ngày 14-16/4/1994, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ được tiến hành, với sự tham dự của 149 đại biểu thay mặt cho hơn 9.600 đảng viên trong Đảng bộ. Hội nghị đại biểu Đảng bộ giữa nhiệm kỳ (khóa XI) đã đánh giá: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trong điều kiện tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là cơn lũ lụt lớn cuối năm 1993 gây tổn thất nặng nề, nhưng Đảng bộ và nhân dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn thử thách, tập trung sức giải quyết những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tiếp tục giành được những thắng lợi bước đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

 

Kinh tế của tỉnh chủ yếu nông nghiệp, tuy có cố gắng nhưng phát triển chưa toàn diện, tốc độ tăng trưởng chậm. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất, khoán đất rừng ổn định lâu dài cho dân và công tác đổi mới quản lý HTX nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VII làm chậm. Bảo vệ rừng là khâu yếu. Đánh bắt hải sản năng suất thấp; dịch vụ thủy sản kém phát triển. Công tác khuyến nông, lâm, ngư chậm triển khai; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới còn ít.

 

Giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng tăng trưởng chậm; sự chỉ đạo, điều hành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thiếu tập trung, nhập thiết bị cũ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả hoạt động của công nghiệp thấp. Công tác quản lý xây dựng cơ bản còn nhiều thiếu sót, hiệu quả đầu tư chưa cao; tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chậm. Việc chỉ đạo hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước chưa gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất; chưa có chính sách khuyến khích đầu tư. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác miền núi và vùng bán đảo chưa được coi trọng đúng mức, nên tốc độ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này đạt hiệu quả thấp…

 

Trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và buôn lậu có những việc do tính chất phức tạp nên xử lý chậm, có việc chỉ đạo xử lý thiếu kiên quyết. Trong một bộ phận cán bộ và nhân dân còn mất cảnh giác trước những âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Tội phạm hình sự có chiều hướng phát triển; kỷ cương xã hội trên một số mặt chưa tốt…

 

Trong công tác xây dựng Đảng còn một số tồn tại: công tác tư tưởng có lúc chưa kịp thời, có mặt giải quyết chậm. Số lượng tổ chức cơ sở đảng yếu kém còn chiếm tỉ lệ nhiều. Công tác tổ chức bộ máy còn một số chưa phát huy tốt nhưng chậm củng cố; việc đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ có trường hợp chưa phù hợp, lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế giỏi chưa nhiều, chậm có chính sách đào tạo.

 

Công tác vận động quần chúng và củng cố tổ chức bộ máy của cơ quan Mặt trận và các đoàn thể nhân dân còn nhiều tồn tại, nội dung và phương thức hoạt động chưa được đổi mới, hình thức tập hợp hội viên, đoàn viên chưa gắn phong trào với lợi ích thiết thực và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Một số đoàn thể bộ máy lãnh đạo yếu, cán bộ làm công tác quần chúng ở cơ sở thiếu, năng lực vận động hạn chế, điều kiện hoạt động khó khăn.

 

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Hội nghị Tỉnh ủy họp bất thường từ ngày 29 -30/8/1994 bầu bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội nghị Tỉnh ủy họp bất thường ngày 23/9/1994, giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh khóa III và chức danh Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy có các kỳ họp chuyên đề để kiểm điểm các mặt công tác và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và các nghị quyết của Trung ương khóa VII.

 

PHAN THANH - ĐÀO NHẬT MINH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Các thành quả giai đoạn 1990-1994
Thứ Tư, 09/01/2019 08:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek