Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020. Qua 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết này trên địa bàn tỉnh, kết quả đạt được như thế nào? Trao đổi với Báo Phú Yên, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết:
- Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; hướng dẫn về công tác CCHC của Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương và sự phối hợp của các sở, ban ngành, địa phương, việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Hữu Thế |
* Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về những kết quả nổi bật trong thực hiện CCHC của tỉnh giai đoạn này?
- Thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện trên toàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện nghiêm túc. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện thường xuyên; kịp thời sửa đổi, bổ sung TTHC theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với nhân dân và doanh nghiệp. Việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được đảm bảo theo quy định, chất lượng giải quyết được nâng cao. Việc đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC. Mở rộng hình thức, phạm vi công khai, minh bạch hóa TTHC và các thông tin quản lý nhà nước, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Mở rộng hình thức, nâng cao chất lượng của việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức, lấy kết quả đánh giá làm thước đo về chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công.
Sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng; thực hiện cơ chế tự chủ đã tạo quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị. Ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai một cách đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Nổi bật là, hệ thống một cửa điện tử hiện đại tỉnh giúp cho việc điều hành, xử lý công việc của các cơ quan được nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian, chi phí tiến tới xóa bỏ việc lạm dụng giấy tờ trong hoạt động hành chính.
* Qua thực tế 10 năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước theo Nghị quyết 30c của Chính phủ, tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa đồng chí?
- Có 6 bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai công tác CCHC của tỉnh giai đoạn này.
Một là, CCHC nhà nước phải có sự quan tâm, cùng chung tay của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành, đôn đốc kiểm tra thường xuyên của lãnh đạo các cấp. Đây là động lực lớn thúc đẩy các giải pháp về CCHC được triển khai hiệu quả trên thực tế.
Công chức Trung tâm Hành chính công của tỉnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc cho công dân. Ảnh: NGUYỄN HƯNG |
Hai là, để đạt được hiệu quả cao trong CCHC nhà nước, nhận thức của người đứng đầu các cấp, ngành về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của CCHC và quá trình CCHC cần được tiến hành một cách kiên trì, liên tục, lâu dài và toàn diện. Thực tế cho thấy, nơi nào thủ trưởng cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo tốt thì hiệu quả triển khai rất tốt.
Ba là, từng cơ quan, đơn vị phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác CCHC của đơn vị, địa phương mình với mục tiêu, hoạt động, phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bốn là, CCHC phải gắn liền với Quy chế thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị, địa phương; phát huy được sức mạnh tập thể, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân cùng thực hiện, giám sát, kiểm tra, góp ý xây dựng nền hành chính hoàn thiện hơn.
Năm là, phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng vừa chuyên”; thực hiện tuyển dụng, bố trí, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có đủ năng lực, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu CCHC ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.
Sáu là, CCHC trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phải gắn với thực hiện chính quyền điện tử và công nghệ thông tin là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách.
Cán bộ ngành công an làm chứng minh nhân dân cho người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Ảnh: NGUYỄN HƯNG |
Thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ, việc giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được đảm bảo theo quy định, chất lượng giải quyết được nâng cao. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động đã tạo chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC. |
* Được biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 30c, công tác CCHC của tỉnh cũng còn những hạn chế, bất cập. Vậy tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan?
- UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản sửa đổi Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; sớm ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực. Kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công và các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; Bộ Nội vụ ban hành quy định, hướng dẫn về thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các sở, ngành nhằm giảm bớt đầu mối trung gian.
Đồng thời đề xuất Chính phủ mở rộng các chính sách ưu đãi hiện hành để khuyến khích xã hội hóa; có chủ trương đổi mới cơ cấu đầu tư, phương thức đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp. Đề nghị Bộ TT-TT sớm ban hành đề án Chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công; có cơ chế giảm chi phí cấp và phí sử dụng chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ của tỉnh để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử.
Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát quá trình cấp phép đầu tư và triển khai dự án nhằm tạo sự phối hợp đồng bộ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, đảm bảo các dự án được cấp phép phù hợp với quy hoạch chung và theo đúng trình tự quy định...
* Xin cảm ơn đồng chí!
THÙY THẢO (thực hiện)