Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) được khai trương ngày 9/12/2019 với địa chỉ dichvucong.gov.vn. Đây là đầu mối cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính (TTHC); tiếp nhận và xử lý những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân một cách công khai, minh bạch.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: “Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Cổng DVCQG đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử. Đây cũng là một công cụ hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC”.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Anh Trần Tín Thành (thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) cho biết: Bằng lái xe của tôi bị hỏng nên muốn làm lại. Được sự hướng dẫn của bạn bè, tôi vào Cổng DVCQG để tham gia. Tại đây, tôi được hướng dẫn chi tiết và thực hiện một cách dễ dàng. Tôi thấy, chúng ta có thể ở nhà thực hiện hoặc đi bất cứ đâu cũng có thể tham gia dịch vụ này khi có kết nối internet.
Giám đốc Sở TT-TT Trần Thanh Hưng cho hay: Hiện nay, Cổng DVC tỉnh kết nối, đồng bộ trạng thái hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC lên Cổng DVCQG, tích hợp việc đăng nhập một lần. Các DVC tích hợp lên Cổng DVCQG là những dịch vụ có số lượng hồ sơ phát sinh lớn, thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Trên cơ sở lựa chọn, các DVC được cải tiến quy trình và nâng cấp, tăng tính năng hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận tiện hơn so với DVC tại thời điểm hiện tại.
Khi Cổng DVCQG đi vào hoạt động, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn chỉ cần truy cập địa chỉ dichvucong.gov.vn với một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được tất cả các cổng DVC cấp bộ, tỉnh; theo dõi được tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC, nhất là những thủ tục có liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
“Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương rà soát, đánh giá lại các quy định về thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ; nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhằm giảm bớt giấy tờ, cắt giảm các thủ tục… góp phần thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thế kỷ XXI được xem là thời đại của kỷ nguyên số (kinh tế số, công nghệ số). Sự phát triển mạnh mẽ của kỷnguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, góp phần thúc đẩy mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội, năng lực cạnh tranh. Cho nên, việc xây dựng Cổng DVCQG là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tăng tính tương tác giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, người dân trên môi trường mạng. Theo tính toán sơ bộ của Văn phòng Chính phủ, khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm được 4.222 tỉ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.
Hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19
Theo Văn phòng Chính phủ, người dân, tổ chức chỉ cần đăng ký mở một tài khoản (qua số điện thoại, nhập số chứng minh nhân dân hoặc số định danh) và được (cổng DVC) xác thực với cơ sở dữ liệu của thuế, bảo hiểm xã hội. Từ đó trở đi sẽ dễ dàng truy cập vào Cổng DVCQG bằng nhiều loại thiết bị (máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng có kết nối internet) bất cứ lúc nào và ở đâu để đăng ký sử dụng các DVC, cũng như giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC. Để đảm bảo tính an toàn thông tin cho người sử dụng, hệ thống cũng sẽ xác thực bằng mã OTP về số điện thoại mà người dân đăng ký. Đây là mức bảo mật ngang với các ngân hàng đang sử dụng khi thanh toán trực tuyến.
Đến nay, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp để đưa 169 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng DVCQG để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Sau thời gian triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đến thời điểm hiện tại, các bộ: Công an, Tài chính, LĐ-TB-XH, Tư pháp và 58 địa phương đã tích hợp, đưa thêm 11 DVCTT lên Cổng DVCQG phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tổng số hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng DVCQG là trên 13.000 hồ sơ, trong đó có 2 DVC có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn được thực hiện từ Cổng DVCQG là: Thông báo hoạt động khuyến mại (trên 9.200 hồ sơ) và đổi giấy phép lái xe (gần 3.000 hồ sơ).
Tại Phú Yên, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC thuận lợi mọi lúc, mọi nơi, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 51 DVCTT ưu tiên tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG để các sở, ban ngành, địa phương thực hiện trong năm 2020. Theo đó, các sở, ban ngành: 40, cấp huyện: 7 và cấp xã 3 dịch vụ.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan, đạt được kết quả trên là nhờ tái cấu trúc quy trình những DVC để tạo thuận lợi nhiều hơn so với cách giải quyết trước đây (cho phép lựa chọn đổi giấy phép lái xe ở nơi sinh sống, học tập, làm việc; cho phép giải quyết một lúc hồ sơ chương trình khuyến mại tại nhiều địa phương ở mức độ 4) và thường xuyên có hướng dẫn thủ tục, cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện. Trường hợp người dùng chọn thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà sẽ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để trả kết quả tại nhà cho người dân. Với việc thanh toán trực tuyến, hiện tại người dân có thể lựa chọn thanh toán qua các ngân hàng thương mại như Vietcombank, VietinBank hoặc kết nối và thanh toán với 30 ngân hàng khác thông qua cổng thanh toán của VNPT Pay hay ví điện tử MoMo... Thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà trên Cổng DVCQG mang lại lợi ích thuận tiện cho người dân, hạn chế sự đi lại của người dân trong thời điểm đang chống dịch bệnh COVID-19.
PHẠM THÙY