Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tục phát hiện và bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu không rõ nguồn gốc, chất lượng, làm gióng lên hồi chuông lo lắng cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong bối cảnh đường lậu tiếp tục tràn mạnh vào thị trường những ngày gần tết, câu hỏi nhức nhối đặt ra là những hiểm họa khôn lường nào về sức khỏe đang đe dọa người tiêu dùng.
Hành trình muôn ngả “bẩn” từ sản xuất đến đóng gói, bảo quản của đường nhập lậu
Dọc theo các tỉnh biên giới giáp với Lào, Campuchia như Quảng Trị, An Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang,… hàng trăm ngàn tấn đường lậu chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, thông qua Lào và Campuchia; được các đối tượng buôn lậu “phù phép” tinh vi ngay tại các cơ sở không đạt tiêu chuẩn ở bên kia biên giới, sau đó tuồn vào sâu trong nội địa tiêu thụ mà không qua kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo GAIN của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng xuất khẩu đường trắng và đường tinh luyện từ Thái Lan sang Campuchia và Lào trong niên vụ 2021/22 là 1.087.895 tấn, chiếm 34% trở thành thị trường xuất khẩu đường trắng và đường luyện lớn nhất của Thái Lan, và đích đến cuối cùng của lượng đường khổng lồ này chính là nhập lậu vào Việt Nam. Nguồn: Thống kê sản lượng đường xuất khẩu từ Thái Lan sang Campuchia và Lào - Tổng hợp báo cáo tổng quan ngành đường 2023 |
Đường nhập lậu sau khi vào Việt Nam thường được phối trộn, thậm chí là “nhuộm” màu để phù hợp với thị hiếu trong nước và giảm giá thành, sau đó sang chiết vào cây 12 kg (bao xá); hoặc được đóng gói trong các bao bì bắt mắt rồi tung ra thị trường, ở cả chợ truyền thống cho đến “chợ online”. Không chỉ vậy, đường lậu chủ yếu lưu kho tại các kho chứa không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không có hệ thống bảo quản đủ tiêu chuẩn, không có hóa đơn, chứng từ.
“Muôn kiểu” đường lậu tràn ra chợ |
Theo phân tích của nhiều chuyên gia sức khỏe, đường lậu trong quá trình vận chuyển, sang chiết sẽ không tránh khỏi việc nhiễm những tạp chất có hại. Chưa kể, các thương lái buôn đường lậu còn trộn lẫn các loại đường khác nhau, kể cả đường hết hạn sử dụng; sử dụng phẩm màu công nghiệp để “nhuộm” đường nhằm trục lợi trên giá thành. Nên dù có được “ngụy trang” trong các bao bì bắt mắt, đường lậu vẫn chứa rất nhiều mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Người tiêu dùng “rước bệnh”
Để đảm bảo chất lượng cao cho sản phẩm đường của mình và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất đường uy tín trong nước phải bỏ ra nhiều chi phí cho quá trình sản xuất, từ các tiêu chuẩn về hóa lý, màu sắc, đến bao bì, nhãn hiệu... Trong khi đó, đường lậu kém chất lượng dưới sự tiếp tay của các thương lái ham lợi ích vẫn được tuồn ra thị trường và ngang nhiên bày bán tại các điểm bán, khiến người tiêu dùng dù cảnh giác cũng không khỏi lúng túng, mua nhầm.
Chỉ trong vòng từ tháng 12/2023 đến nay, lực lượng QLTT các tỉnh trên cả nước đã liên tục bắt giữ, tịch thu hàng chục tấn đường cát nhập lậu vào nội địa. Đơn cử như chỉ trong 15 ngày gần đây, lực lượng QLTT Quảng Bình cho biết đã phát hiện và thu giữ 7.5 tấn đường nhập lậu. Hay ngày 23/12/2023 vừa qua, lực lượng QLTT Long An đã phát hiện, bắt giữ phương tiện vận chuyển 2 tấn đường cát nhập lậu. Càng gần tết nguyên đán, tình hình buôn lậu đường cát càng “nóng” và phức tạp hơn, cả về số lượng, quy mô và thủ đoạn.
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh thông tin, từ nay đến tết Giáp Thìn sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt…. Ngoài ra, sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Với nhu cầu sử dụng hàng ngày trong các bếp ăn của mỗi gia đình Việt và còn là nguyên liệu quan trọng, sử dụng với lượng lớn mỗi ngày tại các công ty bánh kẹo, thực phẩm, các quán ăn, bếp ăn công nghiệp,… thiết nghĩ, nếu sử dụng các loại đường nhập lậu trôi nổi, không rõ xuất xứ, đường pha trộn, đường dính tạp chất… thì về lâu dài sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và sức khỏe của cả cộng đồng.
“Đứng về góc độ chuyên môn, để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất người tiêu dùng nên mua đường thành phẩm đã được đóng gói, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”, bác sĩ Võ Văn Khiêm, Trưởng phòng Y tế quận Cái Răng khuyến cáo.
Đáng nói, không chỉ gây tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân, các hành vi buôn lậu đường cát và các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại nói chung còn gây tổn thất nặng nề đến doanh thu của doanh nghiệp, thất thu ngân sách nhà nước, hình thành môi trường kinh doanh không lành mạnh, cạnh tranh không sòng phẳng ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư trong nước.
THẢO HIỀN