Thứ Năm, 24/10/2024 07:25 SA
Cần nhiều giải pháp “cứu” ngành Mía đường
Thứ Bảy, 15/06/2019 06:00 SA

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam từng bước hiện đại hóa các khâu trồng trọt, thu hoạch mía - Ảnh: NGÔ XUÂN

Theo cam kết tại Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA), Việt Nam sẽ chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020. Trong thời điểm ngành Mía đường trong nước còn non yếu, hiệp định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; gây nguy cơ xóa sổ ngành Mía đường trong nước và ảnh hưởng đến đời sống hàng triệu lao động.

 

Phức tạp đường nhp lu

 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình hình đường nhập lậu từ các nước vào Việt Nam ngày càng phức tạp, quy mô gia tăng, gây nguy cơ hủy diệt ngành Mía đường trong nước. Bình quân mỗi năm có khoảng 700.000 tấn đường nhập lậu vào Việt Nam, thông qua các đường biên giới, với mức giá thấp hơn đường trong nước từ 2.000-3.000 đồng/kg.

 

Trong mỗi giai đoạn, các đối tượng buôn lậu luôn tìm các phương thức, thủ đoạn để qua mặt các lực lượng chức năng như sử dụng cửu vạn, xe đạp, xe gắn máy nhập đường qua đường bộ; sử dụng ghe nhỏ tốc độ cao qua đường sông, suối qua các vùng biên giới. Tại khu vực miền Trung, đường lậu được nhập chủ yếu tại 2 cửa khẩu bằng các hình thức nhập lậu và gian lận thương mại qua tạm nhập tái xuất. Từ năm 2016 đến nay, các đối tượng buôn lậu đường lại nghĩ ra thủ đoạn lột vỏ đường cát ngoại pha trộn với đường nội địa để biến đường nhập lậu thành đường trong nước; hình thức quay vòng hóa đơn hay “phù phép” đường kính trắng thành đường phèn để tránh kiểm soát của các ngành chức năng.

 

Năm 2018, tổng năng lực sản xuất của ngành Mía đường Việt Nam đạt 162.300 tấn mía/ngày; doanh thu khoảng 30.000 tỉ đồng/năm; đóng góp vào ngân sách 2.000 tỉ đồng. Ngành mía đường tạo việc làm cho trên 1,5 triệu nông dân trồng mía.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, liên tiếp trong nhiều năm trở lại đây, lượng đường nhập lậu chiếm lĩnh thị trường khiến đường tồn kho tại các nhà máy tăng. Năm 2016, lượng đường tồn kho của các nhà máy khoảng 40% tổng sản lượng đường sản xuất; đến năm 2017 tăng lên 50% và năm 2018 lên 60%. Hiện nay, tình hình tiêu thụ đường rất chậm do tồn kho vụ trước nhiều và hiện còn tồn khoảng 75%. Giá đường liên tục ở mức thấp, khoảng 10.500 đồng/kg đối với đường RS. Theo dự báo của ngành Mía đường thế giới, niên vụ 2018-2019 sẽ thừa khoảng 5 triệu tấn so với vụ mía đường năm trước. Và mức thừa này sẽ kéo dài đến hết năm 2019, nên có thể giá đường sẽ giảm thấp nhất trong 5 năm qua.

 

Ông K.V.R.S Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Những năm trước, khách hàng lớn của chúng tôi là các doanh nghiệp, nhà sản xuất bánh kẹo, nước ngọt nên lượng đường tiêu thụ khá ổn định, giá cao. Thế nhưng gần đây, các doanh nghiệp này đều ưu tiên sử dụng chất tạo ngọt thay đường nên việc tiêu thụ đường vô cùng khó khăn. Cụ thể, niên vụ mía đường 2016-2017, toàn tỉnh tồn gần 49.000 tấn đường; riêng KCP tồn 21.000 tấn; niên vụ 2017-2018, toàn tỉnh tồn 44.900 tấn đường, KCP khó khăn lắm mới tiêu thụ được hết lượng đường sản xuất được trong vụ này. Không những không tiêu thụ được, giá đường còn liên tục giảm xuống mức kỷ lục khiến các nhà máy và người trồng mía lao đao. Nếu tình hình không được cải thiện, chuỗi liên kết giữa các nhà máy và nông dân được dày công thiết lập trong hơn 20 năm qua có nguy cơ bị phá vỡ rất lớn.

 

Tháo gỡ khó khăn

 

Từ ngày 1/1/2020, khi Hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, Việt Nam sẽ bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ đẩy ngành Mía đường trong nước đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

 

Ông K.V.R.S Subbaiah cho biết thêm: Để chuẩn bị cho Hiệp định ATIGA, KCP đã có nhiều bước đi tích cực và khẩn trương nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập như nâng công suất Nhà máy đường Sơn Hòa lên 10.000 tấn mía cây/ngày và Nhà máy đường Đồng Xuân lên 1.000 tấn mía/ngày. Doanh nghiệp cũng đã đầu tư 2.115 tỉ đồng cho vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất mía, tự động hóa các khâu trồng trọt, thu hoạch. Năm 2017, KCP cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy điện sinh khối từ bã mía giai đoạn 1, công suất 30MW với tổng kinh phí đầu tư 1.300 tỉ đồng. Trong 2 năm, nhà máy điện sinh khối KCP đã phát lên lưới gần 150 triệu kWh; tạo nguồn thu cho công ty gần 239 tỉ đồng, giúp công ty tăng doanh thu và nâng cao giá thu mua mía cho nông dân.

 

Tuy nhiên, những nỗ lực chuẩn bị của các nhà máy đường vẫn không thể giúp ngành Mía đường trong nước đủ mạnh để đối phó với tình hình đường nhập lậu của Thái Lan, đất nước đứng tốp đầu thế giới về sản xuất đường. Trước tình hình trên, 17 nhà máy đường trong nước (trong đó có 2 nhà máy đường của Phú Yên) đã đồng loạt gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp mía đường.

 

Trước tiên, các doanh nghiệp mía đường trong nước đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoãn thực thi Hiệp định ATIGA đối với ngành Mía đường, chỉ thực hiện sau khi đánh giá tác động của hội nhập và chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết. Chính phủ cũng cần hỗ trợ giải quyết thặng dư đường trên thị trường; điều chỉnh các quy định quản lý về xuất nhập khẩu đường; quản lý chất làm ngọt, trong đó có đường lỏng và củng cố việc đấu tranh chống đường nhập lậu và gian lận thương mại để các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ hết lượng đường tồn. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp mía đường trong việc khấu trừ hoặc giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra đối với mía và đường từ mía; hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp mía đường.

 

Ngoài ra, đối với chính sách thu mua điện sinh khối từ bã mía hiện nay cũng có nhiều bất cập. Cụ thể, theo các nhà máy đường, hiện mức đầu tư cho 1 kWh điện sinh khối từ bã mía để nối lên lưới điện quốc gia bình quân khoảng 1.600-1.800 đồng, tương đương 7,3-8,1 Uscent/kWh. Trong khi đó, giá bán điện nối lưới quốc gia theo cơ chế hiện hành với điện đồng phát từ bã mía chỉ 5,8 UScent/kWh, còn giá điện sinh khối sản xuất từ các nguồn nguyên liệu khác như rơm, rạ, trấu… là hơn 7 UScent/kWh. Trong khi đó, giá mua điện sinh khối từ bã mía tại Thái Lan là 14 Uscent/kWh. Điều này khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước không đủ sức cạnh tranh với giá đường Thái Lan và cũng không phù hợp chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng sinh khối. Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc lại giá điện sinh khối từ bã mía cho phù hợp. Nếu giá điện sinh khối được cải thiện sẽ tạo nguồn thu nhằm giảm giá thành sản xuất đường cũng như nâng cao giá thu mua mía cho người nông dân.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek