Kỳ cuối: Tăng cường năng lực cộng đồng trong việc bảo tồn san hô
Để danh thắng quốc gia Hòn Yến giữ được sự tươi sắc, đa dạng sinh học và trở thành điểm đến thú vị của du khách, rất cần những giải pháp bền vững để bảo vệ và phát triển rạn san hô.
Nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường
Kết quả khảo sát của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (thuộc Bộ Quốc phòng) đối với các rạn san hô ở Phú Yên có khả năng phát triển du lịch sinh thái biển gần đây cho thấy, nhiều rạn san hô bị hủy hoại bởi yếu tố tự nhiên và nhiều hơn cả là con người. Riêng san hô khu vực Hòn Yến bị tàn phá nghiêm trọng nhất, bởi tác động tiêu cực từ con người (gây ô nhiễm môi trường, khai thác san hô, giẫm đạp, săn bắt hải sản...).
Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Thanh Xuân chia sẻ: San hô sống rất mềm, dễ gãy dù chỉ một tác động nhẹ. San hô đa phần ở khu vực nước sâu, con người muốn nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp của nó phải lặn xuống nước. Riêng san hô ở khu vực Hòn Yến ở sát bờ, thủy triều rút là lộ thiên. “Cá nhân tôi cũng từng chụp ảnh san hô, cũng lội xuống nước để tìm những rạn san hô đẹp, những góc máy lạ. Tuy nhiên, tôi luôn ý thức gìn giữ, tránh giẫm đạp bằng cách nhờ những ngư dân chỉ luồng lạch, chấp nhận những vị trí đứng ngập sâu hơn nửa thân người”, nhà báo, NSNA Dương Thanh Xuân cho hay.
Đồng tình với ý kiến trên, NSNA Huỳnh Lê Viễn Duy, người cũng khá thành công với nhiều bức ảnh chụp san hô ở Hòn Yến, nói: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc du khách, những vị nhiếp ảnh từ xa đến không biết địa hình, cứ vậy bổ ào xuống tìm san hô để check-in, chụp ảnh, như vậy khác nào hủy hoại san hô”.
Ông Trương Tấn Lai, Bí thư Chi bộ thôn Nhơn Hội (xã An Hòa Hải), đại diện Tổ Hợp tác bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, cho rằng vẫn có thể hài hòa việc chụp ảnh để quảng bá vẻ đẹp san hô Hòn Yến bằng cách đi theo luồng lạch mà ngư dân địa phương chỉ dẫn, tránh giẫm đạp vùng có san hô sống.
Những người làm du lịch cũng phản ứng mạnh mẽ với việc check-in với san hô một cách thô bạo cũng như hành vi giẫm đạp để chụp hình san hô Hòn Yến khi nước triều rút. Chị Nguyễn Thị Lan Vy, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Biển Việt tour cho rằng: “Phú Yên có bờ biển dài và đẹp, nhiều rạn san hô và nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá. Giữ được môi trường nguyên sơ như giữ được bầu không khí trong lành để thở, ngôi nhà bình yên để sống. Hy vọng tất cả mọi người, nhất là những người làm du lịch, du khách trên cả nước đều có ý thức trong việc bảo vệ môi trường nói chung, đại dương xanh và san hô nói riêng”.
Tuy nhiên, có thể thấy việc hài hòa giữa lội xuống biển chụp ảnh và bảo vệ san hô là bất khả thi, bởi dù có đi đúng luồng lạch vẫn không thể kiểm soát những gì dưới chân mình khi đang ở dưới nước. Nhà báo, NSNA Dương Thanh Xuân thẳng thắn đề xuất: “Muốn bảo vệ rạn san hô, ngay lúc này tốt nhất là dẹp hẳn việc chụp ảnh, check-in san hô. Cấm hẳn một thời gian để san hô có điều kiện phục hồi, phát triển, sau đó cần có ý kiến chuyên gia để có cách tiếp cận, tham quan, chụp ảnh san hô một cách thân thiện, bền vững”.
Một tấm pano tuyên truyền bảo vệ môi trường biển và rạn san hô đặt ở khu vực Hòn Yến. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Bảo tồn và phát triển các rạn san hô
Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển các rạn san hô hiện nay là quan trọng và cấp bách. Điều này không chỉ phục vụ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng mà nó có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường biển và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
TS Hoàng Thị Thùy Dương (Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga), cho biết rạn san hô ở Hòn Yến khá phong phú, có cả san hô cứng, san hô mềm, đã và đang chịu nhiều tác động tiêu cực bởi con người. “Nếu không có phương án bảo vệ khẩn cấp và cả những giải pháp bền vững, một thời gian không xa, rạn san hô ở khu vực này sẽ biến mất và khó có khả năng phục hồi, vì san hô phục hồi và phát triển rất chậm”, TS Dương nói.
Liên quan đến vấn đề này, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Mục tiêu chung của đề án là chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan quần thể Hòn Yến phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.
Năm 2020, dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên” được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP/GEF SGP). Dự án được triển khai từ tháng 8/2020, gồm 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô; Xây dựng mô hình thí điểm về cộng đồng tham gia quản lý, giám sát và bảo vệ rạn san hô Hòn Yến, tổ chức các dịch vụ công ích, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực Hòn Yến; Đánh giá hiệu quả và xây dựng kế hoạch duy trì kết quả đạt được của mô hình dự án, tổ chức thực hiện giao quyền cộng đồng quản lý, bảo vệ san hô trong đề án thành lập khu bảo tồn biển Hòn Yến và hướng sản phẩm du lịch “San hô Hòn Yến” thành sản phẩm OCOP của tỉnh.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó Trưởng ban điều hành dự án, cho biết: Trước mắt, thông qua các hoạt động hỗ trợ của dự án, công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn đã nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô Hòn Yến. Về lâu dài, lợi ích mà dự án này mang lại là bảo vệ được hệ sinh thái, cảnh quan, đa dạng sinh học khu vực danh thắng Hòn Yến, hình thành các dịch vụ công ích bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho người dân từ sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng…
Thực hiện tốt dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong bảo tồn quần thể rạn san hô Hòn Yến” có thể xem là một giải pháp tổng hợp mang tính bền vững. Các hoạt động của dự án hướng đến nâng cao nhận thức, năng lực và vai trò của cộng đồng vừa là những giải pháp cụ thể để thực thi bảo vệ tài nguyên biển, nhất là hệ sinh thái rạn san hô. Hơn thế, nhiều hoạt động của dự án phát huy thế mạnh tài nguyên thiên nhiên của danh thắng quốc gia Hòn Yến, trong đó có giá trị đặc biệt của hệ sinh thái rạn san hô có thể phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo sinh kế cho người dân gắn bó hơn với hoạt động bảo vệ môi trường biển và rạn san hô…
Rạn san hô là nơi trú ngụ của các loài cá, là bãi đẻ, ngôi nhà trú ngụ của hàng trăm loài thủy sinh. Rạn san hô Hòn Yến còn mang giá trị đặc biệt, vì đây là di tích danh thắng quốc gia cần được bảo tồn theo Luật Di sản. |
TRẦN QUỚI