Năm qua, hoạt động du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19. Toàn ngành đã cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức. Năm 2022, trong điều kiện kiểm soát dịch hiệu quả, thích ứng an toàn, du lịch nỗ lực để phục hồi và phát triển.
Buổi gặp mặt đối thoại giữa Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh và các doanh nghiệp để bàn giải pháp phục hồi và phát triển trong năm 2022 được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến các địa phương, đã lắng nghe nhiều ý kiến đề xuất.
Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh và các doanh nghiệp tham gia ý kiến đề xuất giải pháp phục hồi du lịch năm 2022. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Lấy khó khăn làm động lực
Đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế gần như chững lại, trong đó, kinh tế du lịch hoàn toàn bị tê liệt.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, chính quyền các cấp, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng trên địa bàn tỉnh, ngành Du lịch cũng đạt được một số kết quả nhất định. Có thể điểm lại như: Tổ chức thành công lễ Chào cờ đầu năm mới 2021 và hoạt động chào đón du khách đầu tiên đến Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) - Phú Yên năm 2021; đón các đoàn famtrip khảo sát kích cầu du lịch và tọa đàm kết nối du lịch Phú Yên năm 2021; tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Phú Yên tại các tỉnh Tây Nguyên và khảo sát liên kết xây dựng tour du lịch ngoài tỉnh năm 2021; Hội nghị liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và Phú Yên trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch COVID-19… Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên là 372.000 lượt, đạt 18,6% kế hoạch, giảm 57,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 1.736 lượt, giảm 76,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu hoạt động du lịch 383,2 tỉ đồng, đạt 17,1% kế hoạch, giảm 43,4% so với cùng kỳ.
Trong một năm tạm ngưng các hoạt động, những người làm du lịch có dịp suy ngẫm, nhìn lại những mặt mạnh, yếu của mình để định vị lại, đồng thời có sự đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, cải thiện, khắc phục những mặt hạn chế, để sẵn sàng bước vào giai đoạn phục hồi trong điều kiện kiểm soát dịch an toàn, hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, du lịch Phú Yên vẫn còn yếu so với mặt bằng chung cả nước, nhiều mặt còn tồn tại và hạn chế cần khắc phục như kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ ven biển, giao thông đường thủy. Thương hiệu du lịch chưa mạnh để tạo lợi thế cạnh tranh; sản phẩm du lịch chưa có nét đặc trưng riêng; thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp; chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch; dịch vụ tại các điểm đến còn hạn chế, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí. Công tác quản lý tổng thể các khu, điểm du lịch chưa tốt; bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả; chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch. Liên kết phát triển du lịch (cả trong và ngoài tỉnh) còn hạn chế. Chưa khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế tuyến du lịch hành lang Đông - Tây. Nguồn nhân lực du lịch tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng…
Năm 2022 dồn lực để phục hồi và phát triển du lịch, phấn đấu đón 2 triệu lượt du khách. Trong ảnh: Điểm đến Gành Đá Đĩa - Di tích danh thắng quốc gia đặc biệt. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Tạo động lực phục hồi và phát triển
Bước vào năm 2022, các quốc gia trên thế giới hầu hết đều thay đổi mục tiêu chống dịch từ zero COVID sang sống chung, thích ứng với vi rút. Từ đó, biện pháp phòng, chống dịch thay đổi để thích nghi và hoạt động kinh tế - xã hội cũng theo đó thích ứng để phục hồi và phát triển bởi nhu cầu nội tại lẫn quy luật khách quan. Với quyết tâm phục hồi du lịch sau đại dịch, hàng loạt hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên đề từ cấp Trung ương đến các địa phương được tổ chức để bàn giải pháp một cách toàn diện, thấu đáo và khoa học nhất.
Đối với du lịch Phú Yên, quan điểm của tỉnh là tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và đề ra những giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế nêu trên làm tiền đề, tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Năm 2021, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch 198/KH-UBND để cụ thể hóa Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Tại buổi gặp mặt, đối thoại mới đây giữa Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh và các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch Phú Yên, các đơn vị kinh doanh du lịch đã đóng góp ý kiến, đưa ra những giải pháp tập trung, định hướng để phát triển du lịch. Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, động viên các doanh nghiệp du lịch sau một thời gian dài ngừng hoạt động, mất thu nhập, nhưng vẫn phải gồng gánh trả lãi suất, thuế, trả lương duy trì cho người lao động; đồng thời quan tâm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển phong phú sản phẩm du lịch. “Sản phẩm du lịch của Phú Yên trước giờ vẫn còn quá đơn điệu, thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, chợ đêm, hoạt động giải trí, thể thao trên biển vẫn còn vướng chưa thể đầu tư phát triển. Thuế đất, chưa phân biệt rõ từng loại đất thương mại dịch vụ, hay đất nông nghiệp, đối với các dự án phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp… Công tác liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch cần thường xuyên, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhằm thu hút du khách”, ông Định nói.
Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết đang tự thân vận động để thích ứng và sẵn sàng để phục hồi. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ, chia sẻ: “Trong thời gian nghỉ dịch, HTX đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ; ứng dụng công nghệ số, hình thành sàn giao dịch điện tử; đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực, sẵn sàng cho sự trở lại trong điều kiện thích ứng an toàn, phòng chống dịch”.
Một trong những yêu cầu thiết thân nhất mà các doanh nghiệp du lịch mong muốn là các cơ quan chức năng và tỉnh thống nhất ban hành quy định, hướng dẫn đón, trả khách du lịch khi đến Phú Yên trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến, cũng như xây dựng các tour, tuyến đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ yêu cầu các sở, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp, sớm minh bạch, giải quyết các thắc mắc của doanh nghiệp. Thời gian tới, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch cần phối hợp, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, phát huy những kết quả đạt được, hướng đến khắc phục tồn tại hạn chế làm tiền đề, tạo động lực, đột phá mới, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022
- Tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên dự kiến khoảng 2 triệu, trong đó có 20.200 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch phấn đấu khoảng 2.242 tỉ đồng, trong đó doanh thu lưu trú du lịch 258 tỉ đồng; số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.400 người.
- Có khoảng 400 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với tổng số phòng lưu trú 6.800 phòng, trong đó có hơn 10 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. |
TRẦN QUỚI