Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành Du lịch lao đao, tê liệt. Trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát COVID-19 hiệu quả đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp dám xông lên, sống chung với dịch bằng các sản phẩm du lịch an toàn.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các tỉnh khu vực miền Trung trong lễ ký kết hợp tác, liên kết sản phẩm giữa các doanh nghiệp với ngành Du lịch các địa phương để phục hồi du lịch sau COVID-19 tại Bình Định. Ảnh: DOÃN CÔNG |
Phương châm phòng, chống dịch hiện nay đã thay đổi từ “zero COVID” sang sống chung với COVID. Việc kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch cũng đảm bảo theo phương châm này: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Nhu cầu bức thiết
Hơn lúc nào hết, phục hồi ngành Du lịch trở thành nhu cầu bức thiết, sau một thời gian dài bị tê liệt, kiệt quệ. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, lúc này, không có biện pháp khôi phục thì ngành Du lịch sẽ hứng chịu nhiều thiệt hại tiếp theo, nên càng khôi phục sớm thì càng tốt. Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ bao phủ lớn và tốc độ tiêm chủng rất nhanh trong khu vực. Đây là điều kiện quan trọng để trở lại những hoạt động du lịch.
Núi Nhạn (TP Tuy Hòa) - địa điểm không thể bỏ qua trên hành trình du lịch Phú Yên. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Giải pháp phục hồi là phải chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt... theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ và Hướng dẫn 4122 của Bộ VH-TT-DL về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Các sản phẩm cần sáng tạo và linh hoạt, làm các tour du lịch phải kèm theo điều kiện bảo vệ du khách, người dân. Nỗ lực của chính các doanh nghiệp lúc này để “gượng dậy” là vô cùng cần thiết, quyết định kết quả của việc phục hồi.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, một trong những điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của mọi người, không quá lo sợ COVID-19 mà dừng việc khôi phục và phát triển. “Cần khôi phục nhanh nhất hoạt động du lịch, vì đây là đầu tàu để lôi kéo các ngành khác cùng phát triển. Tất nhiên sẽ có những khó khăn nhưng cần sự nỗ lực, tích cực tận dụng mọi yếu tố để đưa du lịch trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Bình khẳng định.
Sản phẩm du lịch xanh, an toàn
Để hoạt động du lịch được phục hồi, theo các chuyên gia, có ba vấn đề quan trọng. Thứ nhất là phải luôn trong tâm thế phòng chống dịch, tiêm vắc xin đầy đủ. Thứ hai, phải giữ, kiểm soát hiệu quả không cho dịch bùng phát trở lại. Thứ ba là phải xây dựng được sản phẩm du lịch xanh, an toàn, thuyết phục du khách. “Vấn đề quyết định ở đây là địa phương đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi, còn các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ địa phương. Doanh nghiệp nào đảm bảo đủ điều kiện sẽ cho hoạt động. Tùy theo vùng xanh - vàng để tổ chức các tour tuyến du lịch an toàn”, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nói.
Phú Yên cũng sớm xác định nhiệm vụ kích cầu, phục hồi du lịch ngay sau khi dịch được kiểm soát. Cụ thể là tỉnh đã ban hành kế hoạch kích cầu phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022; lãnh đạo tỉnh và ngành Du lịch làm việc với TP Hồ Chí Minh về triển khai kế hoạch cụ thể, từ đầu tháng 11 được đón khách du lịch từ thị trường này trong điều kiện đảm bảo tour khép kín, an toàn; xúc tiến liên kết với các tỉnh thành khác trong khu vực.
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch an toàn là xu hướng sau dịch COVID-19. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã sớm chuẩn bị cho vấn đề hồi phục du lịch. Người lao động trong ngành Du lịch, các nhà hàng, công ty du lịch... đều đảm bảo tiêm chủng 100%. Từ 3-5 ngày, những nhân viên này sẽ phải test PCR để đảm bảo an toàn. Để các hoạt động không bị gián đoạn, tỉnh cũng chia ra điểm xanh để đi, vùng xanh để đến. Đối với việc liên kết với các tỉnh, trong quá trình làm việc với TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Định, tỉnh thống nhất luồng xanh, điểm xanh để việc di chuyển an toàn, không gặp trở ngại trong quá trình thực hiện tour đó. Phú Yên đang hướng tới du lịch xanh, phát huy tài nguyên tự nhiên, sinh thái với giá trị văn hóa truyền thống độc đáo riêng có để tạo nên những trải nghiệm ấn tượng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Quyền Giám đốc Sở VH-TT-DL, ngành Du lịch tích cực chuẩn bị phục hồi, kết nối lại các mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, thị trường truyền thống, tiềm năng để xúc tiến mạnh hơn nữa thị trường khách du lịch nội địa. Phát động chương trình “Người Phú Yên du lịch Phú Yên”; đồng thời sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch, bộ ngành trung ương mở các chuyến bay quốc tế khi tình hình dịch ổn định.
Trong tâm thế sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi du lịch, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đã chủ động xây dựng phương án an toàn, tour du lịch khép kín. Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), đến nay, 100% lao động trong ngành đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi một, hơn 70% đã tiêm mũi hai, đang tiến tới đảm bảo 100% người lao động tiêm đủ hai mũi. Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, chia sẻ: “Các doanh nghiệp du lịch đã rất nóng lòng, sẵn sàng để trở lại hoạt động. Sau khi người lao động tiêm đủ hai mũi vắc xin, hoạt động du lịch sẽ được triển khai theo nguyên tắc 5K. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, giao dịch và tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức đảm bảo an toàn. Đây cũng là cách ổn định tâm lý du khách, đánh tan rào cản lo ngại khi đi du lịch”.
Khi điều kiện về đảm bảo an toàn phòng chống dịch được thông suốt, phù hợp thì vấn đề còn lại là sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, địa phương. Khách du lịch cần cảm xúc mới và sự thăng hoa mới dựa trên việc trải nghiệm, sử dụng sản phẩm xanh, dịch vụ xanh cùng mức chi phí phù hợp, sau thời gian dài “ai ở đâu ở yên đó” để phòng chống dịch COVID-19.
Từ tháng 9, Bộ VH-TT-DL ban hành kế hoạch định hướng các địa phương triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Tháng 10/2021, Tổng cục Du lịch tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trọng điểm về du lịch, các tổ chức, doanh nghiệp bàn bạc cụ thể kế hoạch. Ngành Du lịch đang tích cực tái khởi động du lịch nội địa và triển khai đón khách du lịch quốc tế tới một số địa phương, tiến tới mở cửa hoàn toàn việc đón khách quốc tế. Định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021 và 2022, du lịch Việt Nam chú trọng khai thác thị trường du lịch nội địa; đặt yếu tố du lịch an toàn lên hàng đầu, mang lại trải nghiệm thật sự ấn tượng, khó quên. |
TRẦN QUỚI