“Trạng thái bình thường mới” là cụm từ được nhắc đến trong các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau thời gian Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, hết giãn cách xã hội.
Đối với ngành Du lịch, phục hồi trong điều kiện hiện nay ngoài vấn đề về kinh tế còn là sự sống còn của doanh nghiệp du lịch, vì vậy những người làm du lịch xác định đây là thời điểm tốt triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển trong “trạng thái bình thường mới”, sau hơn ba tháng “án binh bất động”. Nói dễ hiểu nhất từ thông điệp này là những người làm du lịch trong cả nước bằng nhiều giải pháp cố gắng khôi phục lại ngành kinh tế du lịch gần như rớt chạm đáy của sự phát triển vì dịch COVID-19, đưa ngành này trở lại quỹ đạo phát triển, tăng trưởng như lúc chưa có dịch.
Từ khi SARS-CoV-2 xuất hiện và cuộc khủng hoảng do virus này gây ra giúp cho những người làm du lịch nhìn thấy rõ ràng hơn những hạn chế, bất cập lâu nay, từ đó có góc nhìn mới và cách tiếp cận mới. Thuật ngữ “trạng thái bình thường mới” đối với ngành Du lịch cũng cần được hiểu một cách rộng hơn, mới hơn trong nhận thức và hành động để ngành phát triển trong bối cảnh mới, chứ không phải bình thường.
Tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19, do Tổng cục Du lịch phối hợp Ban IV (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nêu: Cần hiểu “trạng thái bình thường mới” đối với du lịch không chỉ là phục hồi một nền du lịch y như trước dịch COVID-19, mà nên hiểu đây là thời điểm phải thay đổi, phát triển ngành Du lịch trong một trạng thái mới, hoàn toàn mới.
Có một điều chắc chắn, từ đây đến cuối năm 2020, tổng lượng khách và doanh thu từ du lịch không thể nào bằng cùng kỳ năm trước. Vậy thì trong lúc này, ngành Du lịch và những người làm du lịch phải nhanh chóng triển khai các giải pháp để hoạt động du lịch sớm phục hồi trong năm 2020 và làm nền tảng cho năm 2021. Ở tầm vĩ mô cần có cái nhìn xa hơn về chiến lược phù hợp với xu thế mới hiện nay. Đó là tái cơ cấu lại ngành Du lịch hợp lý ở tất cả các lĩnh vực: thị trường khách du lịch, trong nước, quốc tế; khu vực nào là chiến lược, trọng điểm; sản phẩm du lịch ở các địa phương, tính mới, đặc trưng, đặc sắc; nguồn nhân lực làm việc trong ngành Du lịch, trình độ, nhu cầu cần thiết; phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, các quy chuẩn...; nhất là cần làm rõ vai trò của ngành Du lịch với tư cách là “ngành kinh tế mũi nhọn” của đất nước.
Du lịch đang khởi động cho nền kinh tế thời hậu COVID-19. Ở đây không chỉ là chuyện nỗ lực, vượt khó của các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch đầu tàu cần thấu đáo hơn trong việc tái cấu trúc ngành Du lịch, thị trường khách quốc tế thay đổi như thế nào, chấp nhận kiểu du lịch 0 đồng như lâu nay với thị trường khách Trung Quốc. Ngoài ra, vấn đề miễn visa cho khách quốc tế cũng nên mở rộng hơn.
Trở lại các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa du lịch phục hồi, có mấy vấn đề mấu chốt: Xây dựng sản phẩm du lịch an toàn với giá ưu đãi; chiến dịch truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch và xua tan tâm lý e ngại đi du lịch (du lịch an toàn); các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những kiến nghị của ngành Du lịch... Trong đó có các vấn đề mà người làm du lịch kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành Du lịch; giá điện cho doanh nghiệp du lịch như giá điện sản xuất. Kiến nghị ngành Giáo dục ngay trong mùa hè năm nay nghiên cứu cho kéo dài kỳ nghỉ của học sinh theo tinh thần “bình thường mới”...
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, có ảnh hưởng và tác động đến nhiều ngành liên quan. Bởi vậy, phục hồi, phát triển du lịch hậu COVID-19 là yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ những người làm du lịch, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, ủng hộ của toàn dân.
TRẦN QUỚI